Đối tác chiến lược

vinhomes mỹ đình

Đối tác chiến lược về nội thất

noi that 190

  • Trang hoat dong - slide 2

  • Trang hoat dong - slide 1

Nghề cá, sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng

Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

25. 07. 2019 Nghề cá, sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng

Thúc đẩy và chia sẻ kinh nghiệm trong việc lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương đang là nội dung được quan tâm của các cấp các ngành từ Trung ương tới các địa phương. Việc lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương nhằm góp phần giúp các địa phương có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm thiểu tối đa tác động tới đời sống của người dân.

Nhằm tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi những cách làm tốt, và góp phần thúc đẩy quá trình lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại các địa phương được hiệu quả hơn. Ngày 25/8/2014, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã phối hợp cùng các Sở ban ngành có liên quan của 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng và UBND Huyện Hoằng Hóa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp huyện và xã” tại Hải Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

CIMG0630

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Kế hoạch đầu tư, đại diện lãnh đạo UBND Huyện của hơn 10 huyện, đại diện lãnh đạo của gần 30 xã ven biển của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và Hải Phòng. Ngoài ra còn có sự tham gia của các nhà khoa học, tư vấn đến từ Hà Nội: Gs. Trương Quang Học và bà Hoàng Thị Ngọc Hà và các đơn vị liên quan khác.

Tại hội thảo, với phần trình bày gợi mở cho việc chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương Gs. Trương Quang Học đã nêu tổng quát và làm rõ các vấn đề như: Lồng ghép là gì? Cần lồng ghép những gì? Về sự giống, khác nhau và lợi ích của các phương án lồng ghép cũng như khuyến nghị các phương pháp lồng ghép Gs. Trương Quang Học cho rằng: Quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  theo chiến lược và kế hoạch cấp quốc gia, từ trên xuống, vĩ mô và gần với cấp tỉnh hơn. Còn các tài liệu hướng dẫn khác lấy kinh nghiệm thực tế làm bài học thực tiễn, trên cơ sở đó tài liệu hoá và đưa vào thực hiện, từ dưới lên vì vậy nên sử dụng các tài liệu theo phương pháp tiếp cận từ dưới lên là chính và điều chỉnh cho phù hợp với hướng dẫn từ trên xuống. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch lồng ghép phải dựa vào cộng đồng cấp xã, đề xuất giải pháp phù hợp với thực tế tại địa phương và kết hợp với chính sách tổng thể quốc gia. Phân tích sự tác động của BĐKH tới từng lĩnh vực tại địa phương, sau đó lồng ghép vào từng lĩnh vực cụ thể trong kế hoạch phát triển KT – XH tại địa phương sao cho phù hợp. Lồng ghép cả các yếu tố môi trường, tài nguyên, và BĐKH vào kế hoạch để triển khai tổng thể. Đồng thời kết hợp nâng cao nhận thức của người dân.

Tiếp theo phần chia sẻ thông tin gợi mở, hội thảo đã nhận được sự chia sẻ của các đại diện từ các địa phương.

Ông Lê Huy Cường – Trưởng phòng NN huyện Hoằng Hoá phát biểu: Hoằng Hoá là huyện dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua huyện cũng đã triển khai các hoạt động bảo vệ, ứng phó với BĐKH, đặc biệt là chương trình lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại địa phương do World vision tài trợ, trên 4 xã vùng dự án. Tập trung vào truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lồng ghép, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó BĐKH. Kết quả của việc thực hiện lồng ghép, nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó BĐKH đã mang lại những kết quả tốt sau 2 năm thực hiện. Rất nhiều các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức đã được thực hiện, từ cấp Huyện, xã và cấp thôn. Thành lập các đội phản ứng nhanh tại cấp thôn, sẵn sàng ứng phó, thực hiện các nhiệm vụ trong phòng tránh thiên tai, di dời dân khi có bão, cứu hộ, cứu nạn. Triển khai tập huấn cho cán bộ tuyên truyền viên tại 43 xã, các trường tiểu học, trung học góp phần nâng cao nhận thức trong ứng phó BĐKH, ứng phó rủi ro thiên tai. Tăng cường áp dụng mô hình nâng cao sinh kế, tập huấn cho 600 hộ dân về kỹ thuật trồng lúa mới, nuôi thuỷ sản bền vững. Việc xây dựng kế hoạch lồng ghép ứng phó với BĐKH đối với các cấp, đặc biệt là từ cấp xã là cần thiết. Hoằng Hoá đã thực hiện và đã có những kết quả tốt. Người dân đã thực sự được nâng cao nhận thức, tự động điều chỉnh hành vi trong trong đời sống, sản xuất.

Ông Tô Xuân Thức – PCT UBND Huyện Tiền Hải chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép: Tiền Hải là vùng dự án của MCD có 3 xã trong vùng dự án. Tiền Hải đã tiếp cận với thông tin về tác động của BĐKH và cách ứng phó với BĐKH từ lâu, nhưng công tác tuyên truyền, thực hiện tới người dân còn kém, từ khi dự án của MCD triển khai thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đã được rõ nét và mở rộng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiền Hải đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân trên địa bàn để ứng phó với BĐKH. Hiện đại hoá, kè, cứng hoá hơn 20 km mặt đê, nhưng hiện tại đê chỉ chịu được bão cấp 10. Đang triển khai thực hiện tiếp cứng hoá đê và xây tường chắn song. Di chuyển người dân ở ngoài đê vào trong đê, cụ thể đã thực hiện 150 hộ dân khu vực xã Nam Long. Chương trình lồng chép ứng phó BĐKH vào lập kế hoạch cần phải đưa vào chủ trương của Huyện và có sự nhất trí của HĐND huyện. Chính quyền phải hỗ trợ cho người dân trong việc làm thế nào để thực hiện việc ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, sau khi các tổ chức NGOs hướng dẫn về nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân. Việc lồng ghép ứng phó BĐKH vào xây dựng kế hoạch phát triển KT – XH cần phải đi kèm với việc điều chỉnh kê hoạch tài chính cho phù hợp. Vì ngân sách đã được cấp cố định trong 3 năm, nếu thực hiện lồng ghép sẽ thiếu kinh phí. Cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể về những quy chuẩn lồng ghép trong từng lĩnh vực và hướng dẫn cụ thể về tài chính cho việc lồng ghép.

Ông Phùng Văn Nhân – PCT UBND Huyện Giao Thuỷ chia sẻ: Các xã của Giao Thuỷ đã thực hiện triển khai lồng ghép ứng phó BĐKH vào lập kế hoạch phát triển KT – XH cấp xã nhưng có thể chưa hiểu, và chưa chỉ ra được cụ thể. Trong năm 2015, huyện sẽ lồng ghép ứng phó BĐKH với các nhóm ngành chính như: Nông nghiệp, Công nghiệp, Xây dựng cơ sở hạ tầng, An ninh – Quốc phòng. Qua đó sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.

Hội thảo cũng đã tổng hợp được ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu khác về kinh nghiệm đã thực hiện lồng ghép tại địa phương, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ và thúc đẩy giải quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra được định hướng sơ bộ cho việc lập kế hoạch trong năm tới 2015, và đã có sự đồng thuận trong việc sử dụng các công cụ và phương thức lồng ghép để mang tới kết quả tốt nhất cho địa phương mình.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu vào lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp huyện và xã” nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với Biến Đổi Khí Hậu của các Cộng đồng ven biển Việt Nam”- Dự án PRC (MCD 46) được tài trợ bởi chính phủ Úc và hỗ trợ kỹ thuật bởi Oxfam. Từ năm 2012 đến nay, MCD đã triển khai dự án với mục tiêu chung là nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thảm họa cho 51.000 người dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, người không có đất, người khuyết tật và các phụ nữ đơn thân làm chủ hộ nghèo tại 31 xã ven biển mục tiêu thuộc đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long của 5 tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Tiền Giang và Trà Vinh.

Trả lời

Your email address will not be published.

Xem thêm

Đối tác chiến lược

vinhomes 54a nguyễn chí thanh