Tin tức
Hội nghị Tổng kết và chia sẻ mô hình Tôm sú – Lúa đạt Chứng nhận ASC Group tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau
Ngày 27 tháng 10 năm 2022 tại UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng các đối tác tổ chức “Hội nghị Tổng kết và chia sẻ mô hình Tôm sú – Lúa đạt Chứng nhận ASC Group tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau”.
Toàn cảnh hội nghị
Tham dự sự kiện có 112 đại biểu bao gồm Đại diện Sở NNPTNT và các ban ngành của tỉnh, UBND huyện Thới Bình và các Phòng, ban, ngành của huyện; UBND và phòng nông nghiệp các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi và TP Cà Mau; UBND xã Trí Lực và các xã khác; HTX tôm lúa Trí Lực và các thành viên hợp tác; Doanh nghiệp xã hội Minh Phú và các đối tác; đại diện các tổ chức MCD, WWF, Control Union cùng các cơ quan báo chí truyền thông tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL.
Hội nghị nhằm đánh giá tổng kết và chia sẻ mô hình Tôm sú – Lúa đạt Chứng nhận ASC Group tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và thúc đẩy tăng cường hợp tác và phối hợp các bên liên quan phát triển vùng nuôi liên kết bền vững theo tiêu chuẩn chứng nhận.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo – Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình phát biểu khai mạc hội nghị
Tại Hội nghị đại diện các bên tham gia đã chia sẻ trình bày các bài học kinh nghiệm và sự thành công của mô hình tôm lúa bao gồm: hiện trạng và xu hướng phát triển mô hình tôm lúa tại tỉnh Cà Mau; tổng kết mô hình Tôm lúa đạt Tiêu chuẩn ASC; kết quả và bài học kinh nghiệm dự án MCD hỗ trợ phát triển tôm lúa bền vững và thích ứng BĐKH tại xã Trí lực.
DNXH Minh Phú đã được cấp chứng nhận ASC group vùng nuôi tôm lúa xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho 252 hộ, với 387 ao với diện tích 564,98 ha. Đây là chứng nhận ASC nhóm đầu tiên được cấp trên mô hình tôm lúa của Cà Mau và Việt Nam. Mở ra “cánh cửa mới” cho việc chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, Organic…) cho mô hình tôm lúa cho gần 40.000 ha ở Cà Mau và gần 200.000 ha ở ĐBSCL, góp phần phát triển sinh kế cho người dân với mô hình tôm lúa “thông minh” và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm MCD trình bày tại hội nghị
Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, phát biểu tại hội nghị
Với những kết quả đạt được, UBND huyện Thới Bình đã chia sẻ kế hoạch thực hiện mở rộng mô hình và định hướng sản xuất tôm lúa hữu cơ trong đó sẽ được chú trọng phát triển và nhân rộng ra nhiều xã khác trong thời gian tới. Sở NNPTNT Cà Mau đã ghi nhận sự thành công của mô hình tôm sú-lúa, cam kết hỗ trợ chính sách và thúc đẩy hợp tác duy trì và mở rộng chứng nhận vùng nuôi tôm lúa tại xã Trí Lực và các xã khác trong địa bàn huyện Thới Bình và tỉnh Cà Mau.
Đại diện DNXH Minh Phú nhận chứng trận ASC groups từ Công ty TNHH Control Union Việt Nam
Đại diện các hộ sản xuất tiêu biểu nhận giấy khen của UBND huyện Thới Bình
MCD đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác tại tỉnh Cà Mau và thành viên HTX Trí Lực để mô hình tôm lúa có những thành tựu thành công đến thời điểm hiện tại. Thông qua việc vận hành mô hình tôm lúa cũng đã thể hiện được sự quan tâm của cộng đồng về vai trò của người phụ nữ và chia sẻ trách nhiệm công việc trong gia đình và sản xuất kinh doanh. MCD mong muốn tiếp tục kết nối các đối tác và nguồn lực để các sáng kiến sinh kế và thực hành tôm lúa bền vững thích ứng BĐKH ngày càng được ủng hộ và lan tỏa nhân rộng.
Ông Châu Công Bằng – Trao giấy khen cho các tập thể tiêu biểu đóng góp vào thành công mô hình tôm lúa
Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á” – GRAISEA 2” do MCD phối hợp đối tác thực hiện tại Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM. Mục tiêu của dự án tăng cường năng lực người sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, có được những cơ hội và lợi ích công bằng và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với BĐKH.
Link bài báo: