Tin tức
CÔNG BỐ HẠ THỦY CÔNG CỤ THU GOM RÁC TRÊN SÔNG TẠI XÃ ĐIỀN XÁ, HUYỆN NAM TRỰC, NAM ĐỊNH
Sáng 30/06/2022, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Nam Định, UBND xã Điền Xá và các đối tác địa phương tổ chức hoạt động Công bố hạ thủy công cụ thu gom rác trên sông (gọi tắt là bẫy rác) tại thôn Phú Hào, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Công cụ thu gom rác trên sông là một sáng kiến về giải pháp công nghệ nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do Tổ chức Bảo tồn đại dương (Hoa Kỳ) tài trợ và cố vấn kỹ thuật. Dự án này do Trung tâm MCD chủ trì và phối hợp với Sở TN&MT Nam Định cùng các đối tác địa phương triển khai thực hiện.
Sự kiện này có sự tham dự của các đại biểu từ các cơ quan trung ương: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam và Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc; Viện khoa học thủy lợi Việt Nam; và Trung tâm MCD; các đại biểu từ Nam Định gồm: Lãnh đạo và cán bộ Sở TN&MT; Đại diện các đơn vị Sở Giao thông Vận tải, Sở NN & PTNT, Phòng CSGT, Công ty quản lý đoạn đường sông số 5; Đại diện phòng TN&MT thành phố Nam Định và UBND phường Trần Tế Xương; Lãnh đạo UBND và cán bộ phòng TN&MT huyện Nam Trực; Lãnh đạo Đảng ủy, UBND, HĐND, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể và cộng đồng nhân dân xã Điền Xá; Đại diện phòng TN&MT huyện Mỹ Lộc và UBND xã Mỹ Tân; cán bộ phòng TN&MT huyện Giao Thủy; Đại diện BQL Vườn quốc gia Xuân Thủy; Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Xanh Nam Trực; Đại diện các nhóm vận hành bẫy rác tại xã Điền Xá, xã Mỹ Tân và phường Trần Tế Xương; và trên 100 người dân đại diện cộng đồng dân cư khu vực đặt bẫy rác. Hoạt động này có sự chứng kiến của đại diện các đơn vị báo chí, truyền hình trung ương và địa phương.
Các đại biểu tham dự sự kiện
Tại sự kiện, bà Hồ Thị Yến Thu- Phó Giám đốc thường trực MCD cho biết: “Trong giai đoạn trước, Trung tâm MCD cùng với các đối tác, chuyên gia và chính quyền địa phương đã triển khai 2 công cụ thu gom rác trên sông, gọi tắt là bẫy rác được cấp phép, lắp đặt, hạ thủy và vận hành, trong đó 1 bẫy rác đặt trên sông Hồng thuộc xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc và 1 bẫy rác đặt trên sông Đào thuộc phường Trần Tế Xương, TP. Nam Định. Tiếp nối các kết quả và kinh nghiệm từ quá trình triển khai 2 bẫy rác đó, bẫy rác thứ 3 đã được nghiên cứu cẩn trọng, cải tiến và điều chỉnh phù hợp với địa điểm lắp đặt và được MCD và các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ để triển khai tại Nam Định. Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng công bố hạ thủy bẫy rác này tại khu vực thôn Phú Hào, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định và tin rằng bẫy rác sẽ được địa phương tiếp nhận, quản lý và vận hành thành công, góp phần mở rộng thêm chuỗi công cụ hữu ích trong tăng cường hiệu quả thu gom, phân loại và xử lý rác thải khu vực sông biển.”
Bà Hồ Thị Yến Thu – Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm MCD
Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo công cụ thu gom rác trôi nổi trên sông (bẫy rác) do Trung tâm MCD và Sở TN&MT Nam Định chủ trì, với sự tham gia của chuyên gia trong và ngoài nước, các cán bộ và cộng đồng địa phương, đồng thời được sự thẩm định chuyên môn và cho phép thí điểm của Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam. Bẫy rác được đặt ở vùng nước ven bờ sông, phục vụ tăng cường quản lý rác thải khu vực ven sông và cửa sông tại Nam Định.
Ông Phan Văn Phong- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định cho biết: “Sở TN&MT rất vinh dự là đơn vị đầu mối thực hiện dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” do MCD chủ trì thực hiện tại Nam Định. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của nhà tài trợ và đánh giá cao những nỗ lực của MCD và các chuyên gia đã hỗ trợ tỉnh Nam Định trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý rác thải đặc biệt áp dụng công cụ mới như bẫy rác trên sông. Quá trình triển khai các bẫy rác tại xã Mỹ Tân và phường Trần Tế Xương đã thu nhận được những kinh nghiệm quý báu và ghi nhận kết quả vận hành tốt, góp phần tăng cường hiệu quả thu gom rác thải ven sông, giảm thiểu rác thải trôi nổi từ sông ra biển và nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác quản lý rác thải rắn. Chúng tôi rất vui mừng khi được tiếp nhận và vận hành thử nghiệm các bẫy rác này và mong rằng bẫy rác tiếp tục được nhân rộng tại Nam Định với sự hỗ trợ của Trung tâm MCD trong các dự án về bảo vệ môi trường”.
Ông Phan Văn Phong- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định
Các đại biểu cắt băng công bố bẫy rác
Trên phương diện Tổ chức Bảo tồn Đại dương (OC) là đối tác tài trợ và cố vấn chuyên môn của dự án, bà Trần Thị Huỳnh Viên, Quản lý chương trình Việt Nam của OC, đã chia sẻ: “Tổ chức Bảo tồn Đại dương rất vui mừng nhận thấy công cụ thu gom rác thái trên sông đầy sáng tạo này đã trở nên hữu ích và đang được nhân rộng ở các điểm khác nhau để giải quyết ô nhiễm từ rác thải trên khu vực sông Hồng, Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng mạng lưới bẫy rác sẽ tiếp tục đươc mở rộng trên sông Hồng và các sông nhánh, góp phần ngăn rác thải nhựa ra biển và tăng cường kiến thức khoa học chung của chúng ta về chủ đề quan trọng này”.
Các đại biểu tham quan bẫy rác
Bẫy rác
Trong thời gian tới, thông qua dự án nói trên, Trung tâm MCD sẽ tiếp tục cùng các chuyên gia giám sát vận hành bẫy rác đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và các quy định liên quan, đồng thời tiến tới triển khai bẫy rác tại các điểm khác theo đề xuất của địa phương, hình thành một mạng lưới bẫy rác trên các dòng chảy khu vực hạ lưu sông Hồng, đóng góp cho việc giảm thiểu rác thải nhựa ra biển ở Nam Định nói riêng và ở Việt Nam nói riêng.
Thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại: https://ictpress.vn/Chuyen-doc-duong/Ha-thuy-cong-cu-thu-gom-rac-tren-song-tai-thon-Phu-Hao-xa-Dien-Xa?fbclid=IwAR0FF7Lu_paf1I42pD9ggrY_F012aTB26ANBeSR6i6FpfgU7UWWH0wESjUk
Xem thêm
- THAM QUAN HỌC TẬP KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH SINH KẾ BỀN VỮNG VÀ TƯ DUY CHIẾN LƯỢC CHO HTX, DOANH NGHIỆP TỈNH CÀ MAU
- SÁNG KIẾN HỢP TÁC NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÂN TÍCH DỮ LIỆU TÀU CÁ, GIẢM THIỂU RỦI RO KHAI THÁC IUU
- Tập huấn tăng cường năng lực cán bộ Nam Định về quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa, thực hiện Kế hoạch hành động Quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030