Tin tức và góc báo chí
Biến đổi khí hậu và câu chuyện của MCD ở Tiền Hải
Tiền Hải là một huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, với 35 xã, thị trấn. Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 22.604ha, có 23km bờ biển, 03 cửa sông lớn đổ ra biển là cửa Ba Lạt của sông Hồng, cửa sông Trà Lý và cửa Lân, với đặc điểm vùng bờ biển được bồi tụ đã hình thành lên vùng đất bãi bồi, đất ngập nước ven biển rộng hơn 6.000ha có hệ sinh thái động thực vật phong phú và đa dạng trong đó có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xếp vào vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng.
Với điều kiện tự nhiên như vậy, Tiền Hải có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội một cách đa dạng. Tuy nhiên, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, Tiền Hải không tránh khỏi việc phải hứng chịu những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai gây ra do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những biểu hiện ngày càng rõ nét như: áp thấp nhiệt đới, bão lụt, lũ quét, lốc xoáy… Từ năm 2000 đến nay có hơn 30 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến địa bàn huyện. Rét đậm, rét hại kéo dài với cường độ mạnh (điển hình là mùa đông năm 2008) ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân, mưa lớn bất thường xảy ra nhiều gây úng lụt không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong nội đồng mà khi tiêu thoát ra biển làm cho nồng độ muối vùng nước ven bờ giảm đột ngột dẫn đến các loài thuỷ sản nhất là loài nhuyễn thể như ngao bị chết hàng loạt do bị sốc nước. Đặc biệt, là hiện tượng nước biển dâng, độ xâm nhập mặn tiến sâu vào nội địa gây nhiễm mặn, nhiễm phèn nguồn nước, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước tưới gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Tác động tổng hợp của BĐKH đã làm thay đổi một số quy luật tự nhiên, môi sinh, môi trường, tác động tiêu cực lên hệ sinh thái nhất là hệ sinh thái rừng và vùng đất ven biển sẽ chịu nhiều thiệt hại.
Trước những tác động bất lợi của BĐKH ngày càng hiện hữu đối với tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Để phát triển kinh tế, xã hội bền vững Tiền Hải đã phải thay đổi chiến lược để có tầm nhìn bao quát hơn trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình, xem xét tổng thể và lường trước những tác động của biến đổi khí hậu tới các hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tích cực phát huy thế mạnh nội lực tại địa phương, đồng thời rộng mở chào đón các tổ chức phi chính phủ đến hỗ trợ nâng cao nhận thức cho cộng đồng phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức đó chính là MCD. MCD đã chọn 3 xã ven biển là Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thịnh để triển khai dự án. Dự án MCD 46 là dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với Biến đổi Khí hậu của các Cộng đồng ven biển Việt Nam” với sự tài trợ của Chính phủ Úc và sự hỗ trợ kỹ thuật của Oxfam đã đạt được những kết quả tiêu biểu như: Tổ chức chiến dịch truyền thông có tiêu đề “Thanh niên ứng phó với BĐKH với mục tiêu huy động tri thức trẻ hỗ trợ cho tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH”; Phát thanh thường xuyên theo tháng trên Đài truyền thanh của huyện và UBND các xã, mục đích truyền thông mọi nơi, mọi lúc để người dân nghe được, hiểu được và từng bước nâng cao nhận thức, hiểu được những bất lợi, diễn biến khắc nghiệt của thiên tai, thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra.
Ngoài ra, rất nhiều lớp tập huấn nhằm giúp cộng đồng hiểu, hành động đúng để thích ứng với biến đổi khí hậu, vận dụng những kiến thức sơ đẳng nhất do chính các chuyên gia của MCD hướng dẫn vào trong quá trình phát triển kinh tế của hộ gia đình, của địa phương để gắn kết được các mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ BĐKH vào tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phát huy hiệu quả cao nhất việc sử dụng các nguồn lực xã hội và tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Kết hợp với những chủ trương chính sách của nhà nước cùng với sự tuyên truyền và thúc đẩy qua các chương trình hoạt động của dự án về ứng phó và giảm nhẹ với Biến đổi khí hậu, thực hiện theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ huyện Ủy đã ra một chương trình hành động về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, vấn đề lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được triển khai thông qua cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện Tiền Hải khóa 18 kỳ họp thứ VII diễn ra vào ngày 15-16/01/2014 và được đưa vào Nghị quyết số 01/2014 về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014. Tiền Hải đã thực hiện những kế hoạch có tính tới yếu tố lồng ghép như gia cố, nâng cấp đê biển, nâng cao trình đê biển và thiết kế thêm tường chắn sóng cao 1,2m, di dời các điểm dân cư nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất hoặc bị ảnh hưởng nặng nề của Biến đổi khí hậu (Dự án di dân Đông Long). Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai (bão, lụt) và nước biển dâng; đảm bảo an ninh lương thực, an ninh về nước, chống xâm nhập mặn, bảo vệ vùng ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chọn, tạo, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu. Nâng cao kiến thức, năng lực thích ứng và bảo đảm sinh kế cho người dân những khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khi hậu…
Triển khai gói hỗ trợ giảm nhẹ rủi ro thảm họa, mục đích của gói này là hỗ trợ thực hiện một phần hoạt động ưu tiên trong bảng kế hoạch phòng chống lụt bão và bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép kết quả đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng có sự tham gia. Mỗi xã đã nhận được tài trợ với tổng giá trị là 60 triệu đồng/xã bằng các phương tiện dùng trong phòng chống lụt bão như áo phao, áo mưa, loa, đèn pin …
Hỗ trợ về sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương: Người nghèo, phụ nữ đơn thân của 3 xã Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thịnh. Các mô hình sinh kế thích ứng được triển khai là: Mô hình trồng lúa, sử dụng giống lúa RVT với các đặc điểm: chống đổ tốt, ít sâu bệnh, chịu mặn tốt, gạo thơm, cơm ngon; mô hình trồng nấm và mô hình đệm lót sinh học.
Tổ chức tập huấn về đồng quản lý, quản lý tài nguyên thích ứng với mục tiêu giúp các cấp chính quyền, các nhà quản lý đưa ra được các biện pháp quản lý tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng để giải quyết nhu cầu sử dụng tài nguyên của thế hệ hiện tại mà vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai nhằm hướng tới sự phát triển bền vừng. Và đến nay mô hình đồng quản lý này đã đang được triển khai tại xã Nam Thịnh. UBND xã Nam Thịnh dưới sự hướng dẫn chỉ đạo của UBND huyện, phối hợp cùng với MCD đã xây dựng được quy chế hoạt động cho tổ đồng quản lý bảo vệ rừng xã Nam Thịnh và quy ước bảo vệ rừng ngập mặn. Tháng 5/2015 vừa qua, huyện Tiền Hải phối hợp với MCD đã cho ra mắt tổ đồng quản lý bảo vệ rừng ngập mặn với sự tham gia của công an viên xã Nam Thịnh và những người dân thường xuyên đi rừng để có thể nắm bắt thông tin quản lý chặt chẽ hơn những hoạt động xâm hại, tổn thương tới rừng. Chương trình triển khai thí điểm mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn này tại xã Nam Thịnh và sẽ có báo cáo đánh giá về kết quả hoạt động của mô hình này và tiến tới sẽ nhân rộng trên địa bàn các xã có rừng ngập mặn để làm tốt hơn công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca ghi nhận những nỗ lực, sự quan tâm của tổ chức MCD đối với Thái Bình – một tỉnh ven biển, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu nói chung và Tiền Hải nói riêng. Việc giữ được môi trường biển, trồng rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh. Cùng với sự đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ các tổ chức đã dần chuyển biến nhận thức của người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình mong rằng trong thời gian tới, tổ chức MCD sẽ quan tâm hơn nữa, tiếp tục hỗ trợ nông dân ven biển phát triển sinh kế như: Trồng nấm, nghiên cứu các giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt với các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội và Thái Bình.
Hồng Minh/ Tạp chí TNMT