Quản lý tài nguyên và môi trường biển
Vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong cuộc sống cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam
Nghiên cứu thí điểm về ô nhiễm nhựa và tác động của nó với hệ sinh thái tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy
Bài viết này được thực hiện với sự cộng tác của Phó giáo sư, Tiến sĩ Chelsea Rochman – đại học Toronto; Rachel Giles – nghiên cứu sinh đại học Toronto; và Nguyễn Văn Công – Cán bộ Chương trình Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD).
“2 Mảnh bao gạo, 7 bì thực phẩm”
Những tiếng đếm nhịp nhàng của chúng tôi cứ vang lên như vậy khi nhặt rác dọc theo bờ biển phía Bắc Việt Nam. Bốn ngày của cuộc hành trình khiến tôi hình dung giống như một chuyến phiêu lưu trong trò chơi điện tử, từ lênh đênh trên thuyền vượt chướng ngại vật, lê bước chầm chậm qua những bãi lầy, đến băng qua những khoảng rừng rậm rạp nhất.
Tôi làm việc cho tổ chức Ocean Conservancy, cùng với Tiến sĩ Chelsea Rochman và Rachel Giles từ Đại học Toronto thực hiện chuyến nghiên cứu trong khu rừng ngập mặn tuyệt đẹp của Việt Nam – Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy. Chúng tôi đến đây để đánh giá mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm nhựa đến sinh kế cộng đồng ven biển và đa dạng sinh học của hệ sinh thái.
VQG Xuân Thủy nằm ở phía Nam cửa sông Hồng, một hệ sinh thái cửa sông rộng lớn cung cấp điều kiện sống lý tưởng cho rừng ngập mặn, nơi cư trú ưa thích của nhiều loài động thực vật vùng triều, và là nơi kiếm ăn của nhiều loài chim di cư quý hiếm. VQG Xuân Thuỷ nằm dọc theo bờ biển Đông, là vùng đất ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á được công nhận có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế theo Công ước Ramsar, và được xác định là khu vực bảo tồn trọng yếu nhờ các chức năng sinh thái đặc trưng của đất ngập nước. Không chỉ là nơi sinh sống của đa dạng các loài như tôm, cua, cá, ốc móng tay, hàu và góp phần bảo vệ nhiều loài động thực vật quý hiếm, nơi đây còn mang đến cơ hội phát triển kinh tế cho năm xã ven biển thuộc Giao Thủy, một huyện nông thôn tỉnh Nam Định, nơi có cộng đồng ngư nghiệp và nông nghiệp quy mô nhỏ, những người đang mỗi ngày đóng góp đáng kể vào mạng lưới sản xuất nông, thuỷ hải sản của địa phương.
Tuy vậy, VQG Xuân Thuỷ đang ngày càng đối mặt với nguy cơ cao về ô nhiễm nhựa do lượng rác thải từ sông Hồng chảy vào cửa sông và các mảnh vụn trôi dạt từ đại dương. Các mối đe dọa tiềm tàng có thể kể đến như mảnh vụn nhưa từ các dòng hải lưu, sự gia tăng dân số và áp lực từ phát triển du lịch. Nghiên cứu trước đây tại VQG cũng đã chỉ ra những thách thức khác nhau đối với việc quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá nơi đây.
Vì những lý do này, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã đặc biệt quan tâm đến tình trạng rác thải tại Vườn quốc gia. MCD là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tiên phong của Việt Nam có nhiều hoạt động trải khắp khu vực đồng bằng sông Hồng. Ocean Conservancy vinh dự khi hợp tác với một tổ chức đã được ghi nhận có nhiều kinh nghiệm và thành công trong kết nối các cấp trung ương và địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ khác. Chúng tôi hợp tác với MCD và Tổng cục Biển đảo (VASI) tiến hành đánh giá sơ bộ về nguồn gốc, hiện trạng và những ảnh hưởng của rác thải đại dương bao gồm cả những hạt vi nhựa, trong khu vực.
May mắn cho nhóm nghiên cứu khi thời tiết chỉ mưa nhỏ và vẫn có ánh nắng trong suốt thời gian thực địa. Công việc trên mặt đất chủ yếu liên quan đến thu thập và phân loại tất cả các loại rác được tìm thấy trong địa điểm nghiên cứu, lấy các mẫu trầm tích để đo vi lượng. Để nắm bắt được rác thải đến từ đâu, chúng tôi đã lựa chọn các vị trí quan trọng dọc theo bờ biển, các bãi triều thuộc cửa sông và rừng ngập mặn, cửa sông, và ngược dòng sông Hồng. Chúng tôi đã đếm các lỗ cua ở mỗi vị trí, đo độ che phủ và đường kính của thân cây rừng ngập mặn, đây được xem là những chỉ số tiềm năng phản ánh mức độ ảnh hưởng của rác thải đến hệ động thực vật trong VQG.
Khi nói về những điểm nổi bật trong chuyến nghiên cứu này, ngoài việc được có mặt ở một vùng đất tuyệt vời trên thế giới, học tập và chia sẻ thông tin giữa các nhóm nghiên cứu chính là một trong những điểm nhấn. Đã có 3 nhóm được thành lập trong suốt qúa trình thực địa: Nhóm 1 (Chelsea và Nguyễn Văn Công, MCD), nhóm 2 (tôi và Ngô Thị Ngọc, MCD), và nhóm 3 (Rachel và Mai Kiên Định, VASI). Ocean Conservancy hi vọng nâng cao năng lực cho MCD và VASI thông qua chuyển giao phương pháp luận và cách thực hiện nghiên cứu rác thải đại dương. Tương tự như vậy, Công và Ngọc (MCD) giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về các loại rác thải được tìm thấy và tại sao loại này lại xuất hiện phổ biến hơn loại khác. Cùng với đó, chúng tôi đã được anh Định, người xuất thân từ chính vùng này, chia sẻ nhiều điều mới mẻ về vùng đất và cuộc sống của người dân nơi đây. Sau hàng giờ cùng nhau đi thực địa, chúng tôi lại tiếp tục những cuộc trao đổi của mình tại các nhà hàng gần đó, cùng nhau thưởng thức hải sản độc đáo của địa phương như ngao nuôi, cá nước ngọt và sứa.
Những điều chưa hề được chuẩn bị cho chuyến đi này cũng rất nhiều. Đó là, bất chợt nhận ra đầu gối mình đang ngập sâu trong bùn cùng với những chú ngao và cua, tình cờ chứng kiến một ô rừng ngập mặn đã chết, trên cây là những túi nhựa và lưới đánh cá vắt ngang dọc. Tại một điểm dọc bờ biển, những chú nhện đang giăng tơ trên cành đã tham gia cùng chúng tôi đếm hàng trăm miếng xốp. Chúng tôi thực lòng cảm kích sự hỗ trợ nhiệt tình từ các kiểm lâm viên của VQG Xuân Thủy, với mọi phương tiện hiện có, đã giúp nhóm tiếp cận được với các ô nghiên cứu. Không cần phải nói ra nhưng ai cũng hiểu, nghiên cứu này thành công chính là nhờ sự chung tay giúp đỡ, cố gắng nỗ lực, và nhiệt huyết của tất cả mọi người.
Một số phát hiện của chúng tôi: rác thải nhựa được tìm thấy trên tất cả 19 điểm khảo sát, chủ yếu gồm 5 loại (bao bì thực phẩm bằng nhựa, túi nhựa, mảnh vải, các mảnh dây nhựa và lưới đánh cá). Nhìn chung, rác thải biển gia tăng gây suy giảm sức khỏe hệ sinh thái, mặc dù nghiên cứu mới chỉ thấy được dấu hiệu từ mối quan hệ nghịch đảo giữa số lượng rác thải biển và sức khỏe thực vật rừng ngập mặn. Những kết quả đó hiển nhiên chỉ ra rất nhiều tiềm năng cho các hoạt động trong tương lai nhằm theo dõi các xu hướng này.
Chúng tôi đánh giá cao việc MCD là tổ chức tiên phong cam kết nỗ lực để công việc này và các kiến thức thu được có thể chia sẻ tới công chúng. Trong cuộc đối thoại giữa Công và Ngọc với người dân địa phương xã Giao Thiện, các ngư dân đã giúp chúng tôi thấy được ô nhiễm không chỉ dẫn đến suy thoái đất đai của họ, đe doạ đến sức khoẻ con người mà còn tác động đến toàn bộ hệ sinh thái. Tôi đặc biệt cảm kích khi tất cả các thành viên MCD đều háo hức trò chuyện bằng tiếng Việt mỗi khi trả lời các câu hỏi của tôi. Là một người Mỹ gốc Việt không thực sự thành thạo tiếng Việt, tôi cảm thấy mình được nâng đỡ rất nhiều để thực hành vốn từ vựng về bảo tồn môi trường bằng tiếng mẹ đẻ.
Ocean Conservancy hy vọng rằng, nghiên cứu thí điểm này sẽ là nguồn tài liệu giúp cho các đối tác địa phương xác định được giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề của VQG Xuân Thủy. Chúng tôi nhận thấy các nghiên cứu trong tương lai sẽ hỗ trợ khoa học cho các bên liên quan cấp quốc gia khi xây dựng chiến lược dài hạn cho vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam. Mặc dù công tác nghiên cứu vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến theo dõi các tác nhân gây ảnh hưởng lên hệ sinh thái và những thay đổi đang diễn ra trong Vườn quốc gia, Việt Nam đã và đang có những bước tiến quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững các cộng đồng ven biển.
Xem bản gốc tiếng Anh tại đây.
Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo đưa tin về Nghiên cứu đánh giá về ô nhiễm rác thải nhựa dọc theo sông Hồng và khu vực vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định.
Một số hình ảnh nghiên cứu: