Tin tức
Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong thực hiện các sáng kiến thích ứng với BĐKH trong chuỗi giá trị tôm
Trong quý 1 2020, MCD đã phối hợp cùng Sở NN&PTNT Cà Mau thúc đẩy các HTX nuôi tôm kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò phụ nữ trong các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu. Các HTX Cái Bát, Tân Hồng và Trí Lực đều có câu chuyện của riêng mình.
Với HTX Cái Bát, tổ chức đại hội thường niên giai đoạn 2020-2023 đã tập trung vào “Nâng cao năng lực liên kết tổ nhóm, củng cố ban quản trị HTX”. Đại hội HTX có 70 đại biểu, ngoài bà con xã viên còn có đại biểu từ đến từ Liên minh HTX Cà Mau, Chi cục trồng trọt, đại diện phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, đại diện UBND xã Hòa Mỹ, tổ chức MCD, tổ chức WWF cùng toàn thể thành viên HTX Cái Bát.
Tại Đại hội, các thành viên tham gia buổi hội thảo bầu ban quản trị tham gia trong giai đoạn mới đồng thời thúc đẩy đại diện nhóm phụ nữ tham gia vào ban quản trị HTX nhằm bảo đảm 3 nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi. Từ đó, các chị em đã tự tin hơn trong việc đưa ra quan điểm của mình, họ có thể mạnh dạn đóng góp các hoạt động tập thể cũng như nâng cao vai trò trong gia đình. Tiêu biểu phải kể đến đó là chị Nguyễn Thị Điều – tổ trưởng tổ phụ nữ làm sinh kế được bầu vào ban quản trị HTX.
Ảnh: Ban quản trị HTX Cái Bát ra mắt Đại hội
Hai HTX khác là Trí Lực và Tân Hồng đã đưa ra kế hoạch kinh doanh xác định thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên lựa chọn kinh doanh dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường… các thành viên HTX đóng góp ý kiến và lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, từ đó có cơ sở để chọn ra sáng kiến kinh doanh phù hợp nhất. Qua đó, dự án hỗ trợ bà con lập kế hoạch, nghiên cứu tính toán giá thành sản phẩm để phù hợp với thị trường. Đó là kết quả bước đầu các hoạt động dự án MCD đã thực hiện, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực cho các HTX để thích ứng tốt hơn.
Với HTX Tân Hồng, đại hội tái cơ cấu HTX năm nay đã tập trung vào thúc đẩy phụ nữ tham gia vào ban quản trị HTX và đối thoại trong chuỗi. Tham dự đại hội có hơn 70 người gồm: Sở NN&PTNT Cà Mau, MCD, Liên Minh HTX, UBND xã Tạ An Khương Nam, Thành viên HTX Tân Hồng, ban quản trị các HTX thuộc Đầm Dơi: Tân Long, Nam Chánh, Đoàn Kết…
HTX Tân Hồng đã đạt chứng nhận Vietgap năm 2018, hiện đang tiếp tục theo đuổi chứng nhận ASC theo tiêu chuẩn Châu Âu. MCD đã giới thiệu HTX Tân Hồng với một vài doanh nghiệp để các bên cùng làm việc về tiêu chuẩn ASC, thu thập thông tin, khảo sát vùng nuôi lấy cơ sở đầu vào đánh giá.
Hiện nay, do giá cả thị trường biến động mạnh nhiều hộ nuôi bỏ ao, dẫn đến sản lượng tôm nuôi thấp so với diện tích, bình quân ao nuôi ước tính đạt 78,52% tôm thâm canh và siêu thâm canh theo kế hoạch. Đứng trước tình hình đó, MCD đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ, thành viên HTX, đồng thời kết nối sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra. Riêng HTX Tân Hồng đã làm việc với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức phi chính phủ, sở NN&PTNT Cà Mau để tạo điều kiện cho 217 thành viên HTX trong đó có 14 cán bộ chủ chốt tham dự các tập huấn chuyển giao KHKT, nâng cao năng lực và tham gia các triển lãm giới thiệu sản phẩm.
Ảnh: Đại diện HTX Tân Hồng ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thức ăn
Kết quả, HTX Tân Hồng đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp thức ăn nuôi tôm, doanh thu từ thức ăn chế phẩm sinh học thuốc thú y thủy sản con giống giai đoạn vừa qua rất đáng khích lệ . Với sự thúc đẩy của MCD, HTX đã thành lập tổ Phụ nữ làm sinh kế với 14 thành viên, các sản phẩm của tổ nhóm phụ nữ thực hiện gồm phồng tôm, chả cá, muối tôm, tôm khô… Kế hoạch của nhóm năm 2020 – 2023 là đưa ra thị trường ít nhất 1-2 sản phẩm phân phối và tiêu thụ đến các chợ đầu mối hoặc siêu thị.
Nhằm thúc đẩy và tăng cường khả năng lãnh đạo của nữ, MCD thúc đẩy nữ tham gia vào ban quản trị HTX. Thông qua các cuộc họp, xem xét khả năng lãnh đạo và thúc đẩy, chị Nguyễn Bé Loan vừa là tổ trưởng nhóm phụ nữ làm sinh kế, đồng thời chị được bầu vào BQT Hợp Tác xã Tân Hồng với 98% số thành viên ủng hộ. Với sự tham gia của phụ nữ trong BQT, hi vọng các hoạt động của phụ nữ HTX được thúc đẩy và tăng cường sự tham gia trong thời gian tới.
Ảnh: HTX ra mắt ban quản trị, chị Nguyễn Bé Loan tổ trưởng nhóm phụ nữ làm sinh kế trong BQT HTX.
Chuỗi hoạt động nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH thông qua sản xuất mô hình tôm lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn tiếp tục được thực hiện tại HTX Trí Lực với 50 thành viên tham dự.
Trong những năm gần đây mô hình canh tác tôm – lúa phát triển khá nhanh. Đây là hình thức nuôi trồng được đánh giá có hiệu quả với chi phí đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh), môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm, và mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không có khả năng trồng lúa quanh năm. Tuy nhiên phát triển hệ thống tôm – lúa cũng đang đứng trước các thách thức, nhất là trước tác động của biến đổi khí hậu. Xu thế nước biển dâng, tình hình xâm nhập mặn, mùa khô kéo dài, nắng nóng, mùa mưa ngắn, lượng mưa ít, … ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân, đặc biệt là các vùng sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản. Do vậy, việc nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH rất quan trọng. HTX Trí Lực nỗ lực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra được chuỗi sản phẩm sạch phù hợp với sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho người nông dân Cà Mau.
Để phát triển mô hình tôm – lúa hữu cơ theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, MCD đã cùng chuyên gia tập trung nâng cao năng lực, kiến thức cho người dân. Các nội dung bao gồm lựa chọn giống tôm, lúa thích ứng với BĐKH, cập nhật lịch thời vụ đảm bảo năng suất và chất lượng tôm- lúa, nâng cao năng lực nhận thức về diễn biến của BĐKH, giới thiệu các biểu hiện của BĐKH, chia sẻ và học hỏi các phương thức thích ứng. Các thành viên tham gia hội thảo đã thảo luận đưa ra các kế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu, chọn ra kế hoạch phù hợp nhất theo góp ý của chuyên gia và sẽ thực hiện kế hoạch giám sát triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Ảnh. Phát biểu của người dân về kế hoạch thích ứng với BĐKH
Tại Cà Mau, vùng tôm lúa hiện nay đang canh tác một vụ lúa từ tháng 8 -12 hằng năm, hai vụ tôm sú và một vụ tôm càng xanh. Theo bà con, thời tiết có xu hướng thay đổi: hạn mặn xảy ra nhiều hơn, mưa lớn thất thường khiến độ mặn thay đổi đột ngột làm tôm chết… Vậy cần đưa ra các biện pháp ứng phó như: theo dõi sát sao dự báo thời tiết; thả thưa, tháo nước vào khi trời mặn và xả nước ra kịp thời khi mưa xuống.
Các nỗ lực đều hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cho các HTX, đặc biệt tăng hiệu quả kinh doanh áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với BĐKH, thúc đẩy các HTX làm việc có quy chế, quy định và tổ phụ nữ làm kinh tế có cơ chế hoạt động hiệu quả nhằm thực hiện tốt các sáng kiến sinh kế, có sản phẩm liên kết với thị trường tiêu thụ.
Ảnh: HTX Tân Hồng thống nhất thành lập tổ phụ nữ làm sinh kế
Trên đây là một số kết quả trong chuỗi hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á” GRAISEA pha 2 (2018-2021) do Trung tâm MCD thực hiện tại tỉnh Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM quốc tế. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực người sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, có được những cơ hội và lợi ích công bằng và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với BĐKH.