Hoạt động
Tham vấn lập kế hoạch dự án tại Cà Mau
Ngày 20 tháng 12 năm 2018, tại Cà Mau đã diễn ra cuộc họp tham vấn các bên lấy ý kiến cho tổ chức triển khai dự án“Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị gạo và tôm tại Việt Nam” – GRAISEA giai đoạn 2 (2018 – 2021).
Sự kiện có đại diện từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Tổ chức Oxfam Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản: Minh Phú, Quốc Việt và WWF, đại diện các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở Cà Mau.
Dự án GRAISEA 2.0 được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy điển (SIDA) do Oxfam phối hợp đối tác thực hiện tại Việt Nam. Giai đoạn 1 đã khép lại với những kết quả đáng khích lệ, Ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau đã đánh giá và ghi nhận “Dự án GRAISEA giai đoạn 1 đã có vai trò quan trọng trong việc liên kết các tổ nhóm nuôi tôm, trong giai đoạn 2 này, có thêm các giải pháp để thích ứng với BĐKH nên rất phù hợp và thiết thực với nền sản xuất của ngành tôm Cà Mau”.
Giai đoạn 2 dự kiến tiếp tục thực hiện với các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu (chuỗi tôm). MCD vinh dự được lựa chọn là đối tác thực hiện dự án chuỗi giá trị tôm tại tỉnh Cà Mau.
Cà Mau là tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi tôm chiếm tỷ trọng lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (45% tổng diện tích và 29% tổng sản lương ĐBSCL). Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2017 đạt trên 1 tỷ USD (chiếm 30% tổng giá trị của cả nước). Nuôi tôm là sinh kế chính tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho 160.000 hộ nuôi quy mô nhỏ. Tuy nhiên các thách thức của nghề nuôi tôm đang đối mặt và cần giải quyết: liên kết các tổ nhóm nuôi tôm và liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, yêu cầu thị trường xuất khẩu, cơ sở hạ tầng vùng nuôi và năng lực các hộ quy mô nhỏ còn ở mức hạn chế, vai trò của phu nữ tham gia đảm bảo lợi ích kinh tế, phát triển bền vững, bên cạnh đó cần thích ứng với các diễn biến môi trường do sự gia tăng biến đổi khí hậu và các tác nhân.
Với mục tiêu “Thay đổi cuộc sống của những người sản xuất quy mô nhỏ và người lao động trong kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam thông qua tăng cường năng lực về kinh tế cho phụ nữ trong phát triển chuỗi giá trị tôm bền vững và thích ứng với khí hậu”, GRAISEA 2.0 tại Cà Mau dự kiến sẽ triển khai hoạt động 4 huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời.
Trong giai đoạn 2, Dự án hướng tới 3 kết quả chính:
- Kết quả 1: Người sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, có được những cơ hội và lợi ích công bằng hơn trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với khí hậu, bền vững và bình đẳng;
- Kết quả 2: Các công ty ngành tôm tăng hiệu quả kinh doanh bằng việc áp dụng và thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và quy tắc ứng xử quản trị chuỗi giá trị bền vững và bình đẳng, tập trung vào nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thích ứng biến đổi khí hậu
- Kết quả 3: Chính quyền (ở cấp trung ương và cấp tỉnh) khuyến khích thực hành kinh doanh có trách nhiệm và quản trị chuỗi giá trị bền vững và bao trùm, tập trung tăng cường năng lực kinh tế cho phụ nữ và thích ứng với biến đổi khí hậu
Dự án đã tham vấn kế hoạch dự kiến trong 3 năm (2018 – 2021) sẽ tập trung và mở rộng hợp tác Doanh nghiệp là đối tác và tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị tôm. Với cách tiếp cận thực hành trách nhiệm xã hội (CSR), các mô hình kinh doanh bền vững, liên kết, lan tỏa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời dự án dự kiến sẽ mở rộng quy mô nhóm hưởng lợi sản xuất quy mô nhỏ (tổ nhóm/HTX) là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng giá trị tôm, thực hành sản xuất bền vững, thích ứng BĐKH; và các sáng kiến về trao quyền kinh tế cho phụ nữ (WEE); tăng thu nhập và ổn định sinh kế.
Qua Hội thảo tham vấn này, dự án đã nhận được sự ủng hộ, ý kiến đóng góp và cam kết tham gia phối hợp của các bên.
(Bà Thân Thị Hiền – Phó giám đốc MCD chia sẻ về nội dung, mục tiêu, kết quả dự kiến của Dự án)
Ông Phạm Quang Trung (Quản lý vùng tổ chức Oxfam) chia sẻ về quan điểm và tiếp cận dự án (Thứ 3 từ trái sang)
Ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau phát biểu
MCD phối hợp với Doanh nghiệp Minh Phú tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú trong ruộng lúa theo chuẩn Hữu cơ cho nông dân HTX Trí Lực (Thới Bình, Cà Mau)
MCD thảo luận với người dân về chuẩn mực xã hội liên quan đến vấn đề giới (sử dụng công cụ GALS) tại HTX Tân Hồng (Đầm Dơi, Cà Mau)
Xem thêm
- Tham vấn địa phương và cộng đồng về dự thảo nội dung văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017 và chia sẻ kinh nghiệm giao quyền cho cộng đồng quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển khu vực biển có rạn san hô
- Với dự án Sẵn Sàng, thanh niên đang tiên phong trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng
- Nơi chắp cánh những giấc mơ trở thành hiện thực