Quản lý tài nguyên và môi trường biển
Hưởng ứng chương trình Rừng Ngập Mặn cho tương lai MFF- MCD cùng Nhơn Hải bảo vệ rạn san hô và môi trường biển ứng phó với biến đổi khí hậu
Xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định là xã bán đảo có tài nguyên hệ sinh thái rạn san hô phong phú, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng sinh học và cảnh quan du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của sao biển gai, một loại động vật da gai sống ở độ sâu 5-20m dưới mực nước biển, chủ yếu ăn san hô để sinh sống, đã khiến cho rạn san hô bị tàn phá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác, khai thác cát đen (titan) tại các bãi biển cũng như những tác động từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, các hoạt động sinh kế và ảnh hưởng của thiên tai đã làm giảm diện tích và chất lượng của bãi biển tại Nhơn Hải cũng như gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không hề nhỏ.
Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của rạn san hô và vệ sinh môi trường tại các bãi biển là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và cần được thực hiện một cách thường xuyên, sâu rộng trong chính quyền, cộng đồng và du khách UBND xã Nhơn Hải đã phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Bình Định và Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) triển khai Chiến dịch truyền thông về bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến dịch truyền thông được tổ chức trong tháng 5/ 2014 với những hoạt động chính được triển khai như: Xây dựng và thực hiện chuỗi bài tuyên truyền về bảo vệ rạn san hô, môi trường biển và ứng phó biến đổi khí hậu phát hàng ngày trên đài phát thanh của xã Nhơn Hải; Hoạt động làm sạch bãi biển Nhơn Hải; Tổ chức cuộc thi bắt sao biển gai, bảo vệ rạn san hô; Tuyên truyền thông qua hình thức thi tiểu phẩm sân khấu về đề tài bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, môi trường biển và biến đổi khí hậu.
Chiến dịch truyền thông tuyên truyền bảo vệ rạn san hô, môi trường biển và ứng phó biến đổi khí hậu đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của chính quyền, cộng đồng địa phương, cán bộ, thanh niên, học sinh, ngư dân, các cơ quan, ban ngành tại xã Nhơn Hải và thành phố Quy Nhơn. Đặc biệt, hoạt động làm sạch bờ biển đã thu hút được sự tham gia của 120 học sinh trường THCS Nhơn Hải, lực lượng thanh niên thuộc Đoàn xã Nhơn Hải và Chi đoàn chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Bình Định, cán bộ và người dân tại địa phương.
Đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia làm sạch bờ biển
Một phần rất hào hứng trong chiến dịch truyền thông lần này là cuộc thi bắt sao biển gai với sự tham gia của 03 đội thi đến từ 03 thôn Hải Bắc, Hải Đông, Hải Nam thuộc xã Nhơn Hải. Thông qua cuộc thi, lần đầu tiên người dân Nhơn Hải biết về hình dạng và tác hại của sao biển gai, họ thích thú cùng các đội thi tiêu diệt sao biển gai để bảo vệ rạn san hô và môi trường biển, góp phần vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Chiến dịch truyền thông nói trên nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao khả năng phục hồi với sinh kế của cộng đồng và năng lực quản lý thích ứng của các khu bảo tồn biển địa phương tại Việt Nam: hành động địa phương đóng góp vào mạng lưới quốc gia” đang được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), được điều phối bởi tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với các đối tác địa phương tại 03 tỉnh Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa thực hiện. Dự án nhằm mục tiêu tăng cường năng lực của các thành viên trong mạng lưới các khu bảo tồn biển địa phương tại Việt Nam, góp phần cải thiện các hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng địa phương.
Hướng dẫn tiêu hủy sao biển gai
Hội thi tiểu phẩm truyền thông cũng đã thu hút được sự tham gia đông đảo nhất của chính quyền, các hội đoàn thể, thanh niên, cộng đồng ngư dân. Với tinh thần hưởng ứng nhiệt tình các đội thi đã hăng say tập luyện để thể hiện trên sân khấu. 03 tiểu phẩm sân khấu với nội dung tuyên truyền sâu lắng đầy ý nghĩa: “Bỏ nghề” của Hội nông dân xã, “Bây giờ đã hiểu” của hội phụ nữ, “Vì cộng đồng” của hội Cựu chiến binh đã thật sự mang lại những tiếng cười vui nhộn, những thông điệp tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển và biến đổi khí hậu được ghi lại trong lòng cộng đồng ngư dân.
Hội thi tiểu phẩm truyền thông thu hút đông đảo sự tham gia cộng đồng người dân
Hăng hái tham gia bảo vệ môi trường biển
Từ kết quả của các hoạt động nêu trên, cho thấy vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông trong việc nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, thực hiện bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu hoạt động truyền thông được tổ chức một cách hiệu quả tại sẽ góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường vào trong cuộc sống và các hoạt động thường ngày của người dân.