Quản lý tài nguyên và môi trường biển
MCD chính thức tham gia hành trình “Rừng ngập mặn cho Tương lai” (MFF) tại Việt Nam
Ngày 22/5/2013, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra hội thảo khởi động 02 dự án của chương trình “Rừng ngập mặn cho Tương lai” (MFF) do Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), MFF và Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp tổ chức.
Hội thảo khởi động nhằm giới thiệu 02 dự án đến các bên liên quan về mục tiêu, kết quả dự kiến và lập kế hoạch thực hiện dự án. Dự án quy mô trung bình trong khuôn khổ tài trợ của MFF gồm “Nâng cao khả năng phục hồi của các sinh kế cộng đồng và công tác quản lý thích ứng tại các Khu Bảo tồn biển địa phương của Việt Nam: Từ hành động địa phương đóng góp tới mạng lưới quốc gia” do MCD điều phối thực hiện cùng các đối tác địa phương và dự án “Sử dụng bền vững hệ sinh thái vùng đất ngập nước dừa nước Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” do CRES điều phối thực hiện.
Tham dự Diễn đàn gồm hơn 45 đại biểu, gồm đại diện chương trình MFF khu vực, Uỷ ban Quốc gia chương trình MFF tại Việt Nam, đại diện Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi (Bộ NNPTNT), các bên liên quan tham gia dự án của 03 tỉnh, thành phố thuộc vùng biển miền Trung (Quảng Nam, Bình Định và Khánh Hoà); đại diện IUCN tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp. Tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thu Huệ – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã có phát biểu khai mạc cùng Giám đốc CRES – đại diện của Ban Điều phối Quốc gia MFF.
Chia sẻ thông tin và tham vấn các đối tác liên quan, bà Vũ Thị Thảo – Quản đốc dự án MFF, đã trình bày giới thiệu về dự án “Nâng cao khả năng phục hồi của các sinh kế cộng đồng và công tác quản lý thích ứng tại các Khu Bảo tồn biển địa phương của Việt Nam: Từ hành động địa phương đóng góp tới mạng lưới quốc gia” do MCD thực hiện. Dự án được triển khai trong thời gian 24 tháng (2013 – 2015), tại vùng ven biển miền Trung Việt Nam gồm các xã: xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), xã Tân Hiệp (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Mục tiêu chính của dự án là cải thiện quản lý mạng lưới các khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Từ đó, hướng tới nâng cao quản lý thích ứng cho 3 khu bảo tồn biển do địa phương quản lý thông qua các hoạt động địa phương góp phần tăng cường mạng lưới quốc gia các khu bảo tồn biển của Việt Nam. Có 4 kết quả chính cần đạt được: năng lực của các nhà quản lý khu bảo tồn biển do địa phương quản lý và cộng đồng tại các địa bàn dự án được tăng cường; kế hoạch quản lý thích ứng được hoàn thiện và chia sẻ trong mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam; khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của các sinh kế cộng đồng được cải thiện và dự án được quản lý hiệu quả.
02 dự án đã bắt đầu khởi động từ tháng 5/ 2013 và được mong đợi sẽ đóng góp tích cực cho chương trình “Rừng ngập mặn cho tương lai” (MFF) về quản lý thích ứng, sinh kế bền vững và khả năng phục hồi của cộng đồng, sử dụng bền vững hệ sinh thái vùng đất ngập nước.
THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ DỰ ÁN:
- Dự án “Nâng cao khả năng phục hồi của các sinh kế cộng đồng và công tác quản lý thích ứng tại các Khu Bảo tồn biển địa phương của Việt Nam: Từ hành động địa phương đóng góp tới mạng lưới quốc gia” được thực hiện bởi Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) nhằm hỗ trợ củng cố mạng lưới khu bảo tồn biển quốc gia của Việt Nam thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, quản lý thích ứng và cải thiện sinh kế của các cộng đồng ven biển cho 3 khu bảo tồn biển địa phương: Khu bảo vệ biển Rạn Trào ở tỉnh Khánh Hòa, Nhơn Hải ở tỉnh Bình Định và Bãi Hương ở tỉnh Quảng Nam.
- Dự án “Sử dụng bền vững hệ sinh thái vùng đất ngập nước dừa nước Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam” được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) với mục tiêu giúp cộng đồng địa phương xã Cẩm Thanh tại Quảng Nam sử dụng vùng dừa nước theo cách bền vững và đạt được các lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng địa phương đồng thời xây dựng và triển khai mô hình du lịch sinh thái bền vững dựa vào cộng đồng.