Tin tức
Họp lập kế hoạch chi tiết hoạt động năm 2014 giữa MCD và các đối tác tại địa bàn các vùng dự án
Trong tuần đầu tháng 3/ 2014, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp cùng các đối tác địa phương tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định tổ chức lập kế hoạch chi tiết hoạt động năm 2014 giữa MCD và đối tác tại từng vùng dự án. Tham gia lập kế hoạch có đại diện Sở TNMT, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tỉnh đoàn Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, cán bộ lãnh đạo UBND cấp huyện, xã và một số người dân tại các vùng tham gia dự án.
MCD cùng đại diện các địa phương đã thảo luận, thống nhất kế hoạch hoạt động, cơ chế phối hợp và ngân sách năm 2014, đồng thời ghi nhận những đề xuất, vướng mắc từ đối tác địa phương trong quá trình thực hiện dự án tại ba tỉnh. MCD cũng ghi nhận nhiều sáng kiến và giải pháp từ các đối tác nhằm đạt được kết quả tốt hơn trong việc triển khai dự án năm 2014.
Phát biểu tại buổi lập kế hoạch ở Nam Định, ông Cao Ngọc Ánh, đại diện Phòng Nông nghiệp Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho biết: “UBND Huyện Giao Thủy đánh giá rất cao các hoạt động dự án mà MCD đã triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là các mô hình sinh kế đã và đang chứng tỏ sự thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Bà Phạm Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục Biển đảo trực thuộc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Bình thì lại nhấn mạnh:“Các hoạt động tiên phong của MCD trong việc lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển KTXH của địa phương, cụ thể là tại các cấp ở tỉnh Thái Bình, nếu thành công, sẽ là một mô hình điểm Thái Bình tiếp tục triển khai các hoạt động lồng ghép khác”.
Tại cuộc họp ở Nam Định, bà Trần Thị Hoa – Điều phối viên vùng dự án MCD tại Nam Định, ghi nhận những ý kiến đóng góp và kết quả từ phần thảo luận của các đại biểu. Đồng thời, bà khẳng định, MCD mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc thực hiện các dự án MCD tại địa bàn, hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn hơn, ứng phó tốt hơn trước rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu.
Năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp với các đối tác địa phương và trung ương tiếp tục triển khai các dự án tại 7 tỉnh thuộc ven biển các vùng đồng bằng sông Hồng, ven biển miền trung và đồng bằng sông Cửu Long (Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Cà Mau), đống thời với nâng cao năng lực và phát triển tổ chức. Các dự án MCD cam kết năm 2014:
(1) “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam” (Dự án PRC; MCD 46; Nhà tài trợ: Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAID); Thời gian triển khai: đến 12/2014
(2) “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Khu dự trữ sinh quyển ven biển Việt Nam và Khu Bảo tồn biển do địa phương quản lý tại Việt Nam”; Nhà tài trợ: Oxfam (MCD 44); Thời gian triển khai: đến 12/2014)
(3) “Nâng cao khả năng phục hồi của các sinh kế cộng đồng và công tác quản lý thích ứng tại các khu bảo tồn biển địa phương của Việt Nam: từ hành động địa phương đóng góp tới mạng lưới quốc gia”- (MCD 50, 3/2015)
(4) “Huy động trí thức trẻ hỗ trợ cho tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Khu dự trữ sinh quyển ven biển Việt Nam”; nhà tài trợ: Quỹ McKnight – Hoa Kỳ (Dự án IVF, MCD 51; Thời gian triển khai: đến 12/2015)
(5) Chương trình cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm ở Việt Nam – Pha 2 (12/2014)
(6) “Tăng cường vai trò của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trong các hoạt động truyền thông và vận động chính sách về biến đổi khí hậu” (MCD 54) (12/2015)
MỤC TIÊU 2014
Mục tiêu của MCD năm 2014 là tiếp tục thúc đẩy áp dụng quy phạm thực hành tốt và các công cụ tiên tiến trong quản lý tài nguyên biển thích ứng BĐKH (chú trọng hệ sinh thái rừng ngập mặn tại 02 khu dự trữ sinh quyển khu vực miền Bắc), tăng cường năng lực, hỗ trợ xây dựng và thể chế hóa mô hình Khu bảo tồn biển do địa phương quản lý (LMMA) với hệ sinh thái rạn san hô tại miền Trung và thúc đẩy mạng lưới LMMA tại Việt Nam; hỗ trợ áp dụng các cải tiến kỹ thuật và hoàn thiện (có đánh giá hiệu quả) các mô hình thí điểm sinh kế thích ứng của người dân vùng ven biển (ĐBSH, miền Trung, ĐBSCL) bị tổn thương nhiều nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ đơn thân; tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án, truyền thông thúc đẩy hành động địa phương về DRR & CCA, chia sẻ với một số khu vực ven biển khác và tại các diễn đàn kết nối hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và chính phủ, đồng thời khái quát hóa tiếp cận và phương thức can thiệp của MCD để phổ biến áp dụng. Các hoạt động năm 2014 tiếp tục diễn ra tại 7 tỉnh ven biển (với tổng số 19 xã thuộc 9 huyện) và các cấp, nhằm tác động trực tiếp tới 27.360 người (tăng 15.625 người so với 2013) trong đó 12.830 nam và 14.530 nữ.
Cụ thể, đến cuối 2014:
– Cộng đồng và các bên liên quan được tham gia thực hiện một số hoạt động ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép thích ứng BĐKH/giảm nhẹ RRTH; chia sẻ kinh nghiệm của quá trình lồng ghép CCA/DRR vào SEDP tại các cấp
– Thúc đẩy áp dụng quy phạm thực hành tốt và các công cụ tiên tiến trong quản lý tài nguyên biển thích ứng BĐKH (chú trọng hệ sinh thái rừng ngập mặn tại 02 khu dự trữ sinh quyển khu vực miền Bắc), tăng cường năng lực, hỗ trợ xây dựng và thể chế hóa mô hình Khu bảo tồn biển do địa phương quản lý (LMMA) với hệ sinh thái Rạn san hô tại 3 địa bàn ở miền Trung và thúc đẩy mạng lưới LMMA tại Việt Nam
– Áp dụng các cải tiến kỹ thuật trực tiếp đến 1100 hộ gia đình (4200 người dân) tại 04 huyện của DBSH (ĐN, TB, HP), miền Trung (Khánh Hòa, Bình Định và Quảng Nam);và hoàn thiện (có đánh giá hiệu quả) các mô hình thí điểm sinh kế thích ứng của người dân vùng ven biển (ĐBSH, miền Trung, ĐBSCL) bị tổn thương nhiều nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là người nghèo, phụ nữ đơn thân; Đánh giá các mô hình NTTS (tôm sinh thái) bền vững, có tiếp cận thị trường & thúc đẩy liên kết các bên trong chuỗi giá trị với sự tham gia của 1000 người dân tại 02 huyện của Cà Mau
– Tài liệu hóa các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án, truyền thông thúc đẩy hành động địa phương về DRR & CCA, chia sẻ với một số khu vực ven biển khác và tại ít nhất 03 diễn đàn/hội thảo cấp quốc gia về chủ đề lien quan và kết nối hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và chính phủ; và chia sẻ với quá trình xây dựng, thực hiện hoặc điều chỉnh chính sách về quản lý tài nguyên và kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại các cấp; đồng thời khái quát hóa tiếp cận và phương thức can thiệp của MCD để phổ biến áp dụng