Tin tức
Đánh giá giữa kỳ và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các tỉnh duyên hải Miền Trung
Ngày 15/07/2022, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT/Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định và các đối tác địa phương tổ chức hoạt động “Hội thảo đánh giá giữa kỳ và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực duyên hải Miền Trung” tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Quang cảnh hội thảo
Sự kiện này có sự tham dự của khoảng 50 đại biểu từ các cơ quan trung ương và địa phương: Tổng cục Thủy sản, Vụ Bảo tồn & PTNLTS và Trung tâm MCD; Viện kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP), Sở NN & PTNT tỉnh Bình Định; Chi cục thủy sản các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam, Cà Mau; UBND thành phố Quy Nhơn; Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Núi Thành; Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh; Hiệp hội Thủy sản tỉnh Bình Định; BQL khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm; Nhóm nòng cốt/đại diện TCCĐ (Rạn Trào, Tam Tiến, Bãi Hương, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu, Tổ đồng quản lý Khánh Hội) và các cơ quan truyền thông địa phương.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Bà Thân Thị Hiền- Phó Giám đốc MCD tóm tắt các kết quả chính dự án đã đạt được qua phối hợp chặt chẽ với Tổng cục TS, các Chi cục thủy sản và chính quyền địa phương cũng như cộng đồng, bao gồm Hỗ trợ xây dựng, rà soát, cập nhật 06 kế hoạch/Phương án quản lý bảo vệ NLTS (theo Luật Thủy sản 2017) tại 06 khu vực với trọng tâm chính là giám sát số loài thủy sản và độ che phủ rạn san hô cũng như các phương án sinh kế được thí điểm; Hỗ trợ quá trình tham vấn xây dựng và hoàn thiện Dự thảo chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (2021-2030) và Hướng dẫn kỹ thuật quốc gia và đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Phát triển mạng lưới các chuyên gia tư vấn và cộng tác viên hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ NLTS ĐQL ở khu vực duyên hải miền Trung.
Bà Thân Thị Hiền- Phó Giám đốc MCD phát biểu tại hội thảo
Đại diện Tổng cục thủy sản, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và PTNLTS ông Lê Trần Nguyên Hùng chia sẻ “Đồng quản lý là phương thức quản lý được quy định tại Luật thủy sản 2017, dự án đã cho thấy quá trình đưa các nội dung từ chính sách vào cuộc sống đòi hỏi sự tham gia và cam kết của nhiều bên đặc biệt của địa phương, chúng tôi đánh giá cao các sáng kiến thực hiện đồng quản lý tại các địa phương và hy vọng các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sẽ hỗ trợ củng cố và hoàn thiện thực thi chính sách/quy định liên quan để bảo vệ NLTS tại khu vực duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Ông Trần Lê Nguyên Hùng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Ông Huỳnh Ngọc Diên – Chuyên gia tư vấn Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tóm tắt một số kết quả đánh giá rạn san hô và nguồn lợi thủy sản tại các khu vực ĐQL. Một số thành viên nòng cốt từ các tổ chức cộng đồng cũng trở thành thành viên tích cực trong các hoạt động giám sát sức khỏe hệ sinh thái rạn san hô, với sự hướng dẫn của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và nắm chắc về phương pháp.
Bà Nguyễn Hải Bình- chuyên gia tư vấn Hiệp hội Thủy sản Bình Định chia sẻ “Dự án đã đóng góp tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực các tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ NTLS bao gồm các kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, truyền thông và sử dụng công nghệ thông tin. Tại Bình Định, các TCCĐ bước đầu đi vào ổn định và nề nếp, xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động; uy tín của TCCĐ dần tăng lên đối với chính quyền và người dân tuy nhiên vẫn cần tiếp tục nỗ lực và hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, liên kết với Doanh Nghiệp và các bên tham gia huy động nguồn lực đảm bảo tính bền vững khi dự án kết thúc”.
Bà Nguyễn Hải Bình – chuyên gia tư vấn Hiệp hội Thủy sản Bình Định
Dự án đã được thực hiện được hơn nửa chặng đường. Các thực hành đồng quản lý sẽ tiếp tục thúc đẩy tại các điểm dự án với tinh thần tự chủ của địa phương và cộng đồng, gắn với hệ thống bảo vệ nguồn lợi thủy sản quốc gia và có sự liên kết học hỏi trong khu vực. Các sáng kiến sinh kế làm giảm sự phụ thuộc vào khai thác nguồn lợi thủy sản, chống khai thác hủy diệt và quá mức cũng sẽ được tập trung phát triển, tính đến nội lực của người dân và các tác động của biến đổi khí hậu. Hy vọng dự án tiếp tục đóng góp các bài học củng cố hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về đồng quản lý nhằm thực thi Luật Thủy sản 2017, đóng góp xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Ông Trần Kim Dương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ trung ương đến địa phương” do MCD thực hiện, được Ocean 5 tài trợ thông qua Tổ chức các nhà tư vấn từ thiện Quỹ Rockerfellor (RPA). Dự án hỗ trợ mở rộng thực hành đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi tại 03 tỉnh (Bình Định, Quảng Nam và Khánh Hòa) sẽ cung cấp các bài học kinh nghiệm thực tế và tăng cường năng lực cho các đối tác tham gia các tiến trình quan trọng nói trên.
Thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng: https://baotainguyenmoitruong.vn/binh-dinh-danh-gia-thuc-hien-dong-quan-ly-trong-bao-ve-nguon-loi-thuy-san-341832.html
Xem thêm
- HỘI THẢO TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI THÔNG TIN VÀ KHOA HỌC KỸ THUẬT VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA, HỖ TRỢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030
- CÔNG BỐ HẠ THỦY CÔNG CỤ THU GOM RÁC TRÊN SÔNG TẠI XÃ ĐIỀN XÁ, HUYỆN NAM TRỰC, NAM ĐỊNH
- THAM QUAN HỌC TẬP KINH NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH SINH KẾ BỀN VỮNG VÀ TƯ DUY CHIẾN LƯỢC CHO HTX, DOANH NGHIỆP TỈNH CÀ MAU