Tin tức
Thúc đẩy Thực hành Canh tác Tôm Lúa trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu tại một số tỉnh ven biển Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long
Trong ngày 27/01/2021, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Cà Mau và OXFAM tổ chức thành công “Hội thảo tham vấn Thúc đẩy Thực hành Canh tác Tôm Lúa bền vững tại một số tỉnh ven biển Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” nhằm hoàn thiện nghiên cứu mô hình canh tác tôm lúa và thúc đẩy việc xây dựng kế hoạch định hướng nhân rộng mô hình bền vững tại tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL trong năm 2021.
Hội thảo được tổ chức tại thành phố Cà Mau, với sự tham gia của hơn 30 đại biểu đến từ Chi cục thủy sản (CCTS) các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang; các cơ quan địa phương tại Cà Mau, đại diện các HTX tôm lúa tại Cà Mau, các chuyên gia/cơ quan nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ (MCD, OXFAM, WWF) và các cơ quan báo chí, truyền thông tại tỉnh Cà Mau.
Thay mặt nhóm đánh giá, ông Trịnh Quang Tú – Chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP) đã chia sẻ về Báo cáo Nghiên cứu tổng hợp các mô hình Tôm Lúa, nâng cao hiêu quả kinh tế, xã hội và môi trường tại một số tỉnh ĐBSCL và lấy ý kiến đóng góp từ các đại biểu, chuyên gia tham dự. Tiếp theo đó, Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc MCD trình bày về các thực hành và một số bài học kinh nghiệm của mô hình Tôm Lúa tại huyện Thới Bình, Cà Mau. Các đánh giá về việc thực hành mô hình tôm-lúa hữu cơ cùng các khuyến nghị được đưa ra thảo luận giữa các bên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng bền vững và thích ứng BĐKH.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia BĐKH của tổ chức OXFAM đã chia sẻ các rủi ro biến đổi khí hậu (BĐKH) bao gồm xâm nhập mặn và thời tiết cực đoan tác động sản xuất tôm lúa và tham vấn ý kiến chuyển đổi thực hành sản xuất mang tính thích ứng và giảm thiểu tác động.
Tại Hội thảo, đại diện Chi cục TS Cà Mau đã chia sẻ hướng dẫn kỹ thuật thực hành canh tác tôm lúa hữu cơ cộng đồng tại tỉnh Cà Mau thông qua tài liệu Sổ tay kỹ thuật được phát hành với sự hỗ trợ của MCD và OXFAM. Các đại diện đến từ các HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau và CCTS các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang cũng chia sẻ ý kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực hành canh tác lúa tôm bền vững và những khó khăn, thách thức cần giải quyết tại khu vực ĐBSCL.
Hội thảo đã đạt những kết quả nhất định với những ý kiến đóng góp hoàn thiện tài liệu báo cáo Nghiên cứu tổng hợp các mô hình tôm lúa tại khu vực ĐBSCL; đại diện các HTX được tăng cường và củng cố kỹ thuật canh tác tôm lúa thông qua những chia sẻ về mặt kỹ thuật hướng dẫn thực hành dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cho người nuôi và tiếp cận thị trường; góp ý Khuyến nghị chính sách tôm lúa tới các nhà hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cho các hoạt động tiếp nối trong năm 2021 phát triển và xây dựng mô hình tôm lúa bền vững thích ứng BĐKH tại khu vực ĐBSCL.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Việt Nam và Đông Nam Á” – GRAISEA 2 do MCD phối hợp đối tác thực hiện tại Cà Mau với sự hỗ trợ của OXFAM. Mục tiêu của dự án tăng cường năng lực người sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, có được những cơ hội và lợi ích công bằng và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh áp dụng và thực hiện các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, trong chuỗi giá trị tôm thích ứng với BĐKH.
#MCD #GRAISEA2 #CCADAPTATION
Xem thêm
- Khởi động thực hiện các sáng kiến hợp tác giữa MCD (Việt Nam) và Ocean Conservancy (Hoa Kỳ) góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam
- Tổng kết mô hình thí điểm quản lý rác thải nhựa đô thị khu vực vùng bờ Vịnh Hạ Long – tiếp cận tổng hợp, hợp tác công, tư và cộng đồng
- LỄ TỔNG KẾT VÀ TRAO GIẢI CUỘC THI “SÔNG SẠCH – BIỂN XANH”