Tin tức và góc báo chí
Khi người dân cảm thấy cần thay đổi vì một tương lai bền vững
Gia đình bác Thành sống tại Cái Viềng, xã Phù Long, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng vốn có nghề đi bãi và khai thác lưới chài từ trước năm 1990. Sau khi xuất ngũ, bác tới khai phá đầm Cái Viềng. Với 30 triệu đồng vốn vay từ huyện Cát Hải, gia đình bác tập trung làm đầm nuôi tôm sú nhưng thất bại nhiều lần do vỡ đầm và chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất.
Trước đây, cũng như những người dân khác tại Phù Long, bác Thành nuôi tôm theo cách truyền thống: phá rừng ngập mặn để nuôi thả tự nhiên.Trong một lần nổ mìn để làm đầm nuôi tôm, bác Thành gặp tai nạn và mất một cánh tay. Sau tai nạn đó, bác Thành nhận thức rõ những nguy hiểm do cách làm này mang lại, không chỉ với cuộc sống của bác mà còn cả với môi trường xung quanh khi những cánh rừng ngập mặn dần dần mất đi.
Vào năm 2011, bác Thành cùng Tổ nuôi trồng thủy sản xã Phù Long có cơ hội tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật chọn giống, nuôi trồng thủy sản, các loại hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu do các chuyên gia giảng dạy. Kiến thức và kỹ thuật mới mang lại cho bác Thành và cả tổ những thay đổi tích cực. Thay vì phá rừng ngập mặn làm đầm, các sáng kiến như đắp đập be bờ vững chắc để chống nước biển xâm nhập, mô hình xen canh nuôi trồng tôm cua bảo vệ rừng ngập mặn được bác và các thành viên trong tổ thực hiện thường xuyên.
Sau các khóa đào tạo, năng suất nuôi trồng của toàn tổ tăng lên, nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được cải thiện rõ rệt. Cuộc sống của các tổ viên ngày càng khấm khá. Riêng bác Thành đã mở rộng đầm tôm của mình lên tới gần 20 hecta với thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Bác cũng trở thành một điển hình về làm giàu từ nuôi trồng thủy sản trong xã.
“Gia đình tôi cũng đang cố gắng kết hợp nuôi trồng thủy sản với du lịch sinh thái cộng đồng để tăng thu nhập. Chúng tôi dùng tôm trong đầm để làm những bữa cơm gia đình nhưng khách du lịch tới đây đều khen rẻ và ngon”, bác Thành tâm sự.
Sự thay đổi trong nhận thức và hoạt động sản xuất của bác Thành nói riêng và Tổ nuôi trồng thủy sản xã Phù Long nói chung là một trong những thành công của các dự án về tăng cường kiến thức và năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, quy phạm thực hành tốt quản lý tài nguyên biển, phát triển sinh kế lồng ghép biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu được xây dựng và áp dụng tại các vùng ven biển do MCD thực hiện. Các kiến thức và kỹ năng người dân được trang bị qua từng dự án kết hợp với ý tưởng và kinh nghiệm họ có từ hoạt động sản xuất chính là cách làm phù hợp nhất để tăng cường sức mạnh và độ bền vững cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.