Tin tức
TẬP HUẤN PHƯƠNG PHÁP, QUY TRÌNH, THỰC HÀNH CỦA VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ TRONG ĐÁNH GIÁ VÀ GIÁM SÁT RÁC THẢI BIỂN
Sáng ngày 27/07/2022, Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (VISI), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định khai mạc “Khóa tập huấn phương pháp, quy trình, thực hành của Việt Nam và quốc tế trong đánh giá và giám sát rác thải biển”. Khóa tập huấn diễn ra trong 3 ngày, từ 27 đến 29/7/2022, với 1 ngày tập huấn lý thuyết và 2 ngày thực hành thực địa tại các điểm ven sông và ven biển Nam Định.
Quang cảnh Tập huấn
Khóa tập huấn được tổ chức với sự tham gia của gần 100 đại biểu tham gia tập huấn các nội dung lý thuyết bằng cả hai hình thức trực tiếp tại Nam Định kết hợp trực tuyến qua nền tảng Zoom và gần 30 đại biểu tham gia thực hành tại thực địa. Các đại biểu là Lãnh đạo và cán bộ Viện Nghiên cứu biển và hải đảo; đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm MCD, các chuyên gia trong nước và quốc tế; các giảng viên và nghiên cứu viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và dự án về môi trường tại Việt Nam; Các đại biểu từ Nam Định gồm: Lãnh đạo và cán bộ Sở TN&MT, đại diện Phòng TN&MT các huyện trong tỉnh và TP. Nam Định, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy; và các đơn vị truyền thông báo chí.
Ảnh đại biểu tham gia Tập huấn
Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thực hiện các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Trung tâm MCD chủ trì thực hiện với nguồn tài trợ và cố vấn kỹ thuật của Tổ chức Bảo tồn Đại dương Thế giới. Dự án nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan và kết nối hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hiệu quả các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ triển khai KHHĐ quốc gia về QLRTNĐD đến năm 2030.
Phát biểu tại khóa tập huấn, bà Hồ Thị Yến Thu – Phó Giám đốc thường trực MCD cho biết: “Trung tâm MCD luôn nỗ lực kết nối các nguồn lực từ các nhà tài trợ và các bên liên quan, cùng đối tác các cấp và cộng đồng xây dựng và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam. Trong đó việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ các cơ quan tổ chức đoàn thể luôn được MCD chú trọng nhằm góp phần tạo nền tảng năng lực khoa hoc kỹ thuật vững chắc hơn cho công tác bảo vệ môi trường biển nói chung và quản lý rác thải nhựa đại dương nói riêng. Với ý nghĩa đó, hôm nay MCD rất vui mừng phối hợp với VISI và Sở TN&MT Nam Định tổ chức hoạt động “Tập huấn phương pháp, quy trình, thực hành của Việt Nam và quốc tế trong đánh giá và giám sát rác thải biển”. Chúng tôi gửi lời cảm ơn các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đồng nghiệp từ Tổ chức Bảo tồn Đại dương OC đã luôn đồng hành với MCD, VISI và Sở TN&MT Nam Định trong quá trình thực hiện các hoạt đông dự án.”
Bà Hồ Thị Yến Thu – PGĐ thường trực Trung tâm MCD
Đại diện Viện Nghiên cứu biển và hải đảo chia sẻ: “Là một đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ biển nhằm đề xuất, xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, chúng tôi luôn chủ động, tích cực trong việc hợp tác với các bên liên quan, hội nhập quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa. Chúng tôi đánh giá cao các cơ hội phối hợp cùng MCD thực hiện các hoạt động khoa học kỹ thuật nói chung và các hoạt động về QLRTNĐD nói riêng. Chúng tôi mong rằng các các học viên tham gia khóa tập huấn này được trang bị thông tin, kiến thức và kỹ năng về một số phương pháp, quy trình, thực hành trong nước và quốc tế về đánh giá, giám sát rác thải nhựa biển, để có thể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện KHHĐQG về QLRTNĐD đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Lê Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo
Đại diện Tổ chức Bảo tồn Đại dương, bà Trần Thị Huỳnh Viên đã chia sẻ: “Tổ chức Bảo tồn Đại dương vinh dự kết nối các chuyên gia quốc tế hàng đầu về nghiên cứu rác thải nhựa để phối hợp cùng MCD và các đối tác trung ương và địa phương của Việt Nam trong tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật về quản lý rác thải nhựa đại dương. Thông qua việc hợp tác này, chúng tôi hy vọng các hoạt động của dự án sẽ góp phần thực hiện KHHĐQG về QLRTNĐD đến năm 2030 tại Việt Nam và đóng góp thiết thực cho giải quyết ô nhiễm nhựa trên khu vực và toàn cầu.”
Khóa tập huấn này nhằm hỗ trợ cán bộ các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu và đào tạo, các bên liên quan ở các cấp có nhiệm vụ và hoạt động liên quan đến khu vực biển và ven biển được tăng cường kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về một số phương pháp, quy trình, thực hành trong nước và quốc tế về đánh giá, giám sát rác thải nhựa biển, góp phần hỗ trợ hoạch định chính sách và đề xuất các giải pháp dựa vào số liệu khoa học trong công tác quản lý rác thải nhựa và thúc đẩy thực hiện KHHĐ quốc gia và địa phương về QLRTNĐD đến năm 2030 một cách đồng bộ và hiệu quả.
Thông tin đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại: https://nss.vn/tap-huan-phuong-phap-quy-trinh-danh-gia-va-giam-sat-rac-thai-bien-26368.htm?fbclid=IwAR00xPgfkm3M0sXZkysyG1Al1rxt9-sYq4Xyp42D8kZju_MMxIRrvs_vCVQ
Xem thêm
- Đánh giá giữa kỳ và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các tỉnh duyên hải Miền Trung
- HỘI THẢO TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI THÔNG TIN VÀ KHOA HỌC KỸ THUẬT VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA, HỖ TRỢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030
- CÔNG BỐ HẠ THỦY CÔNG CỤ THU GOM RÁC TRÊN SÔNG TẠI XÃ ĐIỀN XÁ, HUYỆN NAM TRỰC, NAM ĐỊNH