Nghề cá, sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng
MCD tập huấn về kỹ năng truyền thông và mở rộng kiến thức biến đổi khí hậu tại Nam Định – Thái Bình
Trong hai ngày, 12 – 13/6/2014, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, UBND huyện Tiền Hải, tổ chức chương trình “Tập huấn TOT về kỹ năng truyền thông và mở rộng kiến thức biến đổi khí hậu”.
Chương trình tập huấn có sự tham gia của các cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, cán bộ UBND huyện Tiền Hải các cán bộ đầu mối của các huyện, xã, và trưởng các nhóm sinh kế, trưởng các nhóm quản lý tài nguyên, các trưởng nhóm truyền thông PAOT (VFs), các hộ sinh kế tiêu biểu tại địa phương.
Chương trình tập huấn đã giới thiệu tới các học viên những thông tin về ảnh hưởng của BĐKH tại địa phương mình trong những năm qua và các kiến thức về truyền thông cộng đồng và truyền thông thích ứng với BĐKH.
Khung cảnh buổi tập huấn
Tham gia tập huấn, các học viên được giải thích cụ thể về các phương thức truyền thông như: Truyền thông một chiều, truyền thông hai chiều, và truyền thông đa chiều. Cách thiết kế thông điệp truyền thông phù hợp với đối tượng, truyền thông phù hợp với văn hoá cộng đồng. Những phương pháp tiếp cận các kênh truyền thông như: thông qua các lễ hội, các hoạt động tập thể của làng xã. Các kỹ năng truyền thông như: tổ chức một cuộc họp dân, kỹ năng thuyết phục, vận động, giáo dục.
Ông Phan Văn Phong – Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định chia sẻ: Với những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với tỉnh Nam Định nói riêng và cả nước nói chung trong những năm vừa qua thì vai trò của chương trình tấp huấn các kỹ năng truyền thông, mở rộng kiến thức về ứng phó với BĐKH là thực sự quan trọng. Ông Phong cũng gửi lời cảm ơn tới MCD vì đã tổ chức chương trình tập huấn hết sức thiết thực và hiệu quả này.
Ông Phan Văn Phong – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định
Những người tham gia tập huấn được trải nghiệm những bài tập thực hành về truyền thông cộng đồng và truyền thông về BĐKH hết sức hữu ích để thực sự hiểu và cảm nhận về việc mình đã làm, đang làm và những kiến thức được tập huấn thêm. Các học viên đã trải qua những bài tập nhóm về cách xây dựng cây thông điệp truyền thông về BĐKH, sáng tác và thể hiện tiểu phẩm truyền thông về BĐKH, thiết kế và trình bày một thông điệp truyền thông, thuyết phục các hộ dân thay đổi mô hình sinh kế để thích ứng BĐKH. Những bài tập thực hành đã giúp cho người tham gia tập huấn hiểu được cụ thể những cách thức truyền thông cộng đồng và truyền thông về biến đổi khí hậu một cách hiệu quả nhất. Phần bài tập thực hành đã khiến không khí hội trường trở nên rất sôi nổi, với sự tham gia nhiệt tình của những người tham dự tập huấn.
Người tham gia tập huấn thực hành vẽ cây thông điệp về BĐKH
Người tham gia tập huấn thực hành vẽ cây thông điệp về BĐKH
Đặc biệt, người tham gia tập huấn được giới thiệu về một bức thư đến từ tương lai: “Bức thư viết năm 2070”. Nội dung của bức thư là lời tâm sự của những con người tương lai, nói về những hiểm hoạ sẽ xảy ra tác động trực tiếp tới đời sống của con người bởi sự khan hiếm tài nguyên nói chung, và tài nguyên nước nói riêng. “Bức thư viết năm 2070” đã thực sự tạo được sự tác động sâu sắc tới tâm lí của những người tham gia tập huấn là cần phải gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, để tạo ra sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.
Người tham gia tập huấn xây dựng thông điệp truyền thông về ứng phó BĐKH
Ông Hoàng Trọng Nghĩa – Chi cục trưởng chi cục Biển – Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định phát biểu rằng: Chương trình tập huấn thực sự sâu sắc,nội dung phong phú, dễ hiểu, tạo ra không khí sôi nổi và truyền được cảm hứng cho các học viên tham gia chương trình tập huấn.
Ông Hoàng Trọng Nghĩa – Chi cục trưởng – Chi cục Biển Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định
Chương trình “Tập huấn TOT về kỹ năng truyền thông và mở rông kiến thức biến đổi khí hậu” đã thực sự tạo động lực cho những người tham gia tập huấn trở thành những tuyên truyền viên thực thụ trong công tác truyền thông cộng đồng và truyền thông BĐKH. Những người tham gia tập huấn đã tương tác, sáng tạo, lồng ghép rất tốt những kiến thức đã được học và những mô hình thực tế được MCD hỗ trợ vào quá trình tập huấn và tham gia bài tập thực hành. Qua đó có thể thấy những hoạt động của MCD đã góp phần hiệu quả trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức của người dân về hành động cũng như truyền thông trong giảm nhẹ và ứng phó BĐKH, giúp chuyển hoá các thông tin về ứng phó BĐKH thành những hoạt động thường ngày của người dân.
Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam” (MCD 46) với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Úc và hỗ trợ kỹ thuật từ Oxfam. Hoạt động hướng tới các mục tiêu: tăng cường năng lực cho các điều phối địa phương, trưởng nhóm sinh kế về kỹ năng lồng ghép giới, tổ chức sự kiện, lãnh đạo, làm việc nhóm giải quyết mâu thuẫn và tổng hợp kiến thức về BĐKH và các kỹ năng mềm nhằm giúp cho các cộng tác viên có khả năng truyền thông về BĐKH và sinh kế thích ứng cho các hộ dân khác trong cộng đồng.
-MCD-
Xem thêm
- Phát động cuộc thi “Thanh niên và các lực lượng liên quan với mô hình, ý tưởng giải pháp xây dựng Nông thôn mới trong bối cảnh ứng phó với BĐKH”
- MCD triển khai các Giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH và giảm nhẹ BĐKH cho cộng đồng địa phương tại Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng
- MCD tổ chức tập huấn và phổ biến các Giải pháp giảm nhẹ RRTT, thích ứng BĐKH và giảm nhẹ BĐKH tại các tỉnh Đồng bằng châu thổ sông Hồng