Tin tức
Khởi động “Sáng kiến hợp tác thúc đẩy ứng dụng công nghệ góp phần giảm thiểu khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)”
Hà Nội ngày 11 tháng 12 năm 2019. MCD phối hợp Trung tâm Thông tin Thủy sản tổ chức Hội nghị khởi động “Sáng kiến hợp tác thúc đẩy ứng dụng công nghệ góp phần giảm thiểu khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)”.
Hội nghị được nghe cập nhật quan trọng là Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng chống IUU. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hiệu quả các quy định theo dõi kiểm soát, giám sát tàu cá, tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.
Các thảo luận cho thấy việc ứng dụng công nghệ trở nên cấp thiết, đòi hỏi lộ trình, cam kết và sự phối hợp hiệu quả và hỗ trợ kĩ thuật. Các khái niệm đã bước đầu được đề cập như nhật kí khai thác điện tử, phân tích dữ liệu tàu cá…
Sáng kiến bước đầu nhận được sự quan tâm từ Dự án quan hệ đối tác Đại dương và Thủy sản (USAID Ocean and Fisheries Partnership) và Tổ chức Giám sát Khai thác Toàn cầu (Global Fishing Watch – GFW), hứa hẹn mang lại nhiều kiến thức hữu ích, kinh nghiệm và bài học, mở rộng tác động tại địa phương.
Hình ảnh minh họa
Ảnh: Các đại biểu tham gia hội thảo
Nhóm làm việc khởi động gồm các đại diện đến từ Trung tâm thông tin Thủy sản, Vụ Khai thác Thủy sản, Vụ KHCN và Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế – Thanh tra, Phòng vận hành VMS, các Viện nghiên cứu, tổ chức MCD, các đơn vị cung cấp công nghệ như VNPT, một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và thủy sản.
Ảnh: Ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản – Tổng cục Thủy sản
Phát biểu dẫn đề, ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản cho biết công tác quản lý nghề cá của Việt Nam hiện nay đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên để công tác quản lý được triệt để hiệu quả cần có một lộ trình triển khai công việc rõ ràng liên quan đến Hệ thống VMS (giám sát tàu cá) và Nhật ký đánh bắt điện tử và truy xuất nguồn gốc, bởi việc thực thi luật sửa đổi theo nghị định số 26/2019/NĐ-CP về lắp đặt VMS và nhật ký đánh bắt hiện nay Việt nam đang làm khá tốt nhưng các quy trình ghi chép vẫn còn thực hiện viết tay trên giấy, dẫn đến có sự sai số đáng kể và khó làm sáng tỏ, chứng minh nguồn gốc trên thị trường quốc tế. Do đó việc điện tử hóa là hết sức cần thiết.
Tháng 11/2019 Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành đánh giá việc thực hiện khuyến nghị về đánh bắt IUU và đánh giá cao khi Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý mới toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế; tuy nhiên, tác động thực tế của khung pháp lý vẫn còn hạn chế. Ông Nguyễn Quý Dương, chuyên viên Vụ Khai thác Thủy sản đã chia sẻ cập nhật mới nhất về các khung pháp lý, các quy định, chính sách liên quan đến việc chống khai thác IUU. Cụ thể như phân cấp quản lý Khai thác thủy sản: TW quản lý vùng khơi, UBND cấp tỉnh quản lý vùng ven bờ, vùng lộng và KTTS nội địa. Xác định ngạch giấy phép KTTS theo nghề, ngạch sản lượng khai thác đối với một số loài di cư và loài có tính kết đàn.
Ảnh: Ông Nguyễn Quý Dương, Chuyên viên Vụ Khai thác Thủy sản
Tuy nhiên ông Dương cũng nhấn mạnh, trên thực tế việc thu nộp báo cáo khai thác còn gặp rất nhiều khó khăn bởi bà con thường ở xa, vì vậy rất cần điện tử hóa.
Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế các cơ hội và thách thức về hiện trạng quản lý nghề cá tại Việt Nam, đặc biệt một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tháo gỡ thẻ vàng của Úy ban Châu Âu lên thủy sản khai thác của Việt Nam, Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và hợp tác quốc tế TCTS cho biết thời gian qua các bộ phận của ngành đã nỗ lực hết sức trong cải thiện chính sách cũng như số liệu hóa các thông tin về tàu cá Việt Nam. Về quản lý năng lực khai thác, nước ta đã đưa ra hạn ngạch phụ thuộc vào số tàu có hiện nay là đảm bảo không tăng thêm số tàu, mà tập trung vào đánh bắt hợp lí và chuyển đổi nghề nghiệp.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và hợp tác quốc tế – Tổng cục Thủy sản
Tuy nhiên vẫn còn tồn đọng những hạn chế như mẫu chứng nhận thủy sản khai thác của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu của EC; công tác xử lý vi phạm chưa hiệu quả và kịp thời.
Các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định gồm triển khai hiệu quả các quy định liên quan tới công tác theo dõi kiểm soát, giám sát tàu cá, tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, hồ sơ truy xuất nguồn gốc phải đầy đủ, dễ truy cập, đáp ứng yêu cầu truy xuất theo chuỗi; Đảm bảo kiểm soát nguyên liệu trừ lùi; Bà Nhung cho biết việc giảm thiểu tiến đến xóa bỏ hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ thẻ vàng. Qua đó lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tăng cường công tác kiểm soát tàu cá thực sự là ưu tiên rất cao.
Đại diện Vụ Pháp chế – Thanh tra, ông Kiều Trung Dũng đã nhận định rằng việc xử lý vi phạm được lập biên bản bởi lực lượng Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh có trách nhiệm xử lý vi phạm. Tuy nhiên việc tham mưu cho tổng cục để xử lý vẫn cần được hoàn thiện, các mức xử lý vi phạm hành chính cần làm sao để đủ tính răn đe.
Ảnh: Ông Kiều Trung Dũng, đại diện Vụ Thanh tra – Pháp chế
Bà Nguyễn Thu Huệ – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) đã ghi nhận nhu cầu cần chung tay xây dựng một lộ trình để có thể cung cấp hướng dẫn quốc gia trong việc hướng tới công nghệ eCDT, mà trong đó sự tham gia của các nhà xây dựng chính sách, pháp chế, kỹ thuật là không thể thiếu.
Ảnh: Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD
Đại diện đến từ công ty thuộc Tập đoàn VNPT, ông Long cho biết hiện VNPT đã phối hợp Trung tâm thông tin thủy sản xây dựng phần mềm eCDT nhằm cải thiện giá trị thủy sản khai thác Việt Nam, nâng cao đời sống ngư dân và tăng cường quản lý nghề cá. Dự án này nằm trong kế hoạch thực hiện trách nhiệm xã hội của VNPT.
Ảnh: Ông Long, đại diện công ty thuộc Tập đoàn VNPT
Giới thiệu sáng kiến, Bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) trình bày kế hoạch sắp tới, trong đó có nghiên cứu các tác nhân trong chuỗi giá trị cá ngừ nhằm hoàn thiện nhật kí điện tử góp phần vào việc truy xuất nguồn gốc, tham vấn và xây dựng lộ trình hướng dẫn quá trình chuyển đổi sử dụng các công cụ điên tử phù hợp nhu cầu và năng lực các đơn vị đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Kế hoạch hợp tác thí điểm công nghệ góp phần giảm thiểu IUU tại Việt Nam
Bà Hiền cũng nhấn mạnh, để thực hiện những kế hoạch trên cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, xây dựng chính sách cấp trung ương đến địa phương, sự tham gia của các bên liên quan khác như: các hiệp hội, đơn vị, doanh nghiệp, công ty cung cấp thiết bị, phần mềm, ngư dân, tàu cá…
Ảnh: Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc MCD
Hội nghị đã thành công trong việc thu hút các bên liên quan cùng thảo luận các vấn đề áp dụng công nghệ giảm thiểu IUU tại Việt Nam. Các đại diên cơ quan quản lý đã chia sẻ các kinh nghiệm làm việc thực tiễn, các thông tin cấp thiết trong giai đoạn vừa qua, tạo nên một bức tranh tổng thể về chính sách, quy định, sáng kiến trong quản lý nghề cá hướng đến giảm thiểu IUU tại nước ta. Kế hoạch thực hiện trong giai đoạn tới đã được đưa ra và nhận được sự ủng hộ của toàn thể đại biểu.
Dự kiến, sau Hội nghị khởi động này sẽ là các Hội thảo kĩ thuật với từng nội dung cụ thể được được tiếp tục trao đổi.
Xem thêm
- Hội nghị đối thoại: Thực hiện chứng nhận và thúc đẩy các bên liên quan trong liên kết chuỗi tôm tại Cà Mau
- Giới thiệu sáng kiến địa phương – Công cụ thu gom rác trên sông tại Nam Định
- MCD tham gia thực hiện dự án cùng chương trình Oceans 5, mạng lưới các nhà tài trợ quốc tế cam kết bảo vệ 5 đại đương thế giới