Góc báo chí
Hợp tác phát triển Việt Nam – Thụy Điển: “Nhìn lại quá khứ – Hướng tới tương lai”
Ngày 4/11, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ Kỷ niệm 46 năm hợp tác Việt Nam và Thụy Điển với chủ đề “Nhìn lại quá khứ – Hướng tới tương lai”.
Năm 1967, Thụy Điển quyết định hỗ trợ nhân đạo đối với Viêt Nam. Đó là sự khởi đầu cho một mối quan hệ dài lâu, thành công giữa Thụy Điển và Việt Nam. Trong những năm qua, Thụy Điển đã hỗ trợ hơn 3,4 tỷ USD cho Việt Nam trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng như: y tế, xóa đói, giảm nghèo, dân chủ cơ sở, tư pháp, báo chí, quản lý đất đai, phòng chống tham nhũng, năng lượng, biến đổi khí hậu… Thông qua các chương trình phát triển, các dự án đào tạo quản lý kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp… sự hợp tác phát triển của Thụy Điển đã có nhiều đóng góp mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình cải cách kinh tế, pháp luật và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật ở Việt Nam
Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai trong những năm 1970, thứ nhất trong những năm 1980 và thứ tư trong những năm 1990. Trên thực tế, trong thập niên 80, viện trợ ODA từ Thụy Điển chiếm phần lớn trong tổng số ODA mà Việt Nam tiếp nhận (64% tổng số tiền ODA song phương cho Việt Nam, tương đương 36% tổng số tiền ODA – bao gồm ODA song phương và ODA đa phương cho Việt Nam trong nhập niên này).
Năm 2012, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế SIDA tiến hành đánh giá độc lập, nhìn lại những quá trình hợp tác, thực hiện các chương trình hỗ trợ của Thụy Điển với sự tham gia của nhóm đánh giá gồm GS. Mark McGillivray, TS. David Carpenter và ông Stewart Norup. Báo cáo kết luận cho thấy, chương trình hợp tác Thụy Điển – Viêt Nam đã cải thiện y tế, giáo dục và sự phát triển nói chung của hàng triệu công dân Việt Nam.
Đánh giá về chặng đường 46 năm hợp tác, phát triển Việt Nam – Thụy Điển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, thực tế hợp tác Việt Nam – Thụy Điển cho thấy, hai quốc gia có nhiều tiềm năng hai quốc gia có nhiều tiềm năng cần được khai thác và phát triển trên nhiều mặt, đa dạng về hình thức. Với kinh nghiệm và những thành tựu đạt được trong 46 năm qua, các đối tác hai bên có thể xác định phương thức hợp tác mới, phù hợp định hướng và điều kiện của mỗi nước, tiến tới quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng trong tương lai. Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng, Thụy Điển sẽ cùng Việt Nam tiếp tục duy trì và phát huy tình hữu nghị hợp tác truyền thống để khai thác tiềm năng thế mạnh sẵn có của hai bên, tạo đà cho quan hệ hợp tác đối tác Việt Nam Thụy Điển phát triển bền vững và sâu rộng.
Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng bày tỏ cam kết Đại sứ quán Thụy Điển có trụ sở tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy giá trị mối quan hệ truyền thống lâu dài giữa hai nước đồng thời mở ra cánh cửa cho người dân hai nước có nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác, giao lưu cũng như đưa ra các sáng kiến đề xuất để tiếp tục phát triển mối quan hệ theo hướng bình đẳng và cởi mở hơn.