Góc báo chí
Hội thảo tham vấn hướng nghiên cứu đối với hoạt động đánh giá mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhằm thu nhận những ý kiến đóng góp bổ sung cho kế hoạch nghiên cứu, đánh giá các mô hình thích ứng với BĐKH đã triển khai tại Việt Nam, sáng ngày 21/10, tại Hà Nội, Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BĐKH (VNGO&CC) và Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) đã tổ chức Hội thảo «Tham vấn hướng nghiên cứu đối với hoạt động đánh giá mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu». Đây là một hoạt động nằm trong kế hoạch phối hợp giữa mạng lưới VNGO&CC và DMHCC trong năm 2014-2015. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục Trưởng cục KTTV&BĐKH cho biết: Trong Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH ở Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 đã chỉ rõ quan điểm ‘‘Cần tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với BĐKH, trong đó ở thời kỳ đầu thích ứng là trọng tâm’’. Chính vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu tiên, Việt Nam đã rất chú trọng thực hiện các biện pháp thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, có rất nhiều mô hình thích ứng với BĐKH đã được triển khai thí điểm, hoàn thành và đưa vào sử dụng như nhà đa năng tránh bão lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông; nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, đa dạng sinh kế cho người dân địa phương … đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này chưa có một báo cáo chính thức nào về tính hiệu quả, cũng như cơ sở khoa học được sử dụng trong các mô hình được thực hiện. Do đó,công tác nâng cao nhận thức về thích ứng BĐKH cũng gặp rất nhiều khó khăn do không có tài liệu chính thống về quy trình thực hiện các sáng kiến thích ứng. Các nội dung khoa học về BĐKH khi trình bày tại địa phương không gây được sự hứng thú cho người dân so với việc trình bày những kinh nghiệm thực tiễn và kết quả thực hiện những mô hình thích ứng có hiệu quả.Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vấn đề thích ứng với BĐKH cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhân rộng các sáng kiến thích ứng một cách có hiệu quả, việc xây dựng một tài liệu chính thống đánh giá tính hiệu quả của các mô hình dựa trên cơ sở khoa học là hết sức cần thiết.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó cục Trưởng cục KTTV&BĐKH phát biểu khai mạc hội thảo Với sự hỗ trợ của Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BĐKH do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), được thực hiện thông qua Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD), dự án nghiên cứu, đánh giá các mô hình thích ứng BĐKH tại Việt Nam sẽ được thực hiện từ tháng 9/2014 và kết thúc vào tháng 6/2015 với mục tiêu là: Thống kê, tổng hợp được các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã được thực hiện bởi các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam giai đoạn 2009-2014; Xây dựng được bộ tiêu chí cấp Cục đánh giá tính thích ứng của các mô hình dựa trên cơ sở khoa học; Áp dụng thí điểm bộ tiêu chí để đánh giá một số mô hình thích ứng trên 04 tỉnh thí điểm; Xuất bản được ấn phẩm tổng kết các mô hình thích ứng với BĐKH có hiệu quả cao kèm theo khuyến cáo sử dụng đối với từng điều kiện cụ thể.
Bà Vũ Thị Bích Hơp, Giám đốc SRD cho biết: Để thực hiện được mục tiêu chung, hiện nay, dự án đã thành lập được một nhóm chuyên gia tư vấn về chuyên môn để lựa chọn, định hướng nghiên cứu và phản biện các mô hình đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2009-2014. Nhóm chuyên gia đã và đang tiến hành tổng hợp, đánh giá, rà soát nhằm xây dựng được một khung Bộ tiêu chí để đánh giá tính thích ứng của các mô hình đã được các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực BĐKH. Song song với hoạt động trên, dự án tiếp tục thành lập một Tổ công tác để thực hiện việc thu thập dữ liệu, phân tích sơ bộ, đánh giá thực địa, tổ chức hội thảo và các công việc nghiên cứu khác do Nhóm chuyên gia yêu cầu. Theo lộ trình thực hiện, sau khi có kết quả đánh giá và thu thập dự án sẽ tổ chức hội thảo (vào cuối năm đầu tiên của hoạt động) để các nhà khoa học về khí hậu, các nhà hoạch định chính sách và cán bộ đầu mối ở các địa phương tham vấn cho Bộ tiêu chí đã được thực hiện. Kết quả của Hội thảo là cơ sở bước đầu cho Bộ tiêu chí đánh giá tính thích ứng của các mô hình đã triển khai. Đây là hoạt động đầu tiên trong Kế hoạch phối hợp hoạt động đến hết năm 2015 giữa 2 mạng lưới VNGO&CC, CCWG và Cục khí tượng Thủy văn và BĐKH. Hồng Minh- Trần Nga Nguồn: Tạp chí Tài nguyên & Môi trường |