Tin tức
Hội thảo Tham vấn báo cáo đánh giá tổng quan phân tích dữ liệu giám sát hành trình tàu cá và giải pháp công nghệ cho thí điểm nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam
Ngày 14 tháng 01 năm 2019 tại Hà Nội, Trung tâm thông tin Thủy sản, Tổng cục thủy sản phối hợp Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức Hội thảo “Tham vấn báo cáo đánh giá tổng quan phân tích dữ liệu giám sát hành trình tàu cá và giải pháp công nghệ cho thí điểm nhật ký khai thác điện tử và truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam”.
Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các bên liên quan về báo cáo tổng quan hiện trạng phân tích dữ liệu giám sát hành trình tàu cá tại Việt Nam phục vụ công tác quản lý, đề xuất kế hoạch hợp tác về phân tích dữ liệu tàu cá cho giai đoạn 2020-2021.
Năm 2020 là năm các địa phương ven biển Việt Nam dốc sức hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho tàu cá theo quy định và các hướng dẫn thực thi của Luật Thủy sản 2017. Đây là một thách thức không nhỏ với các tỉnh có lượng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lớn. Nhiệm vụ đặt ra không chỉ hoàn thiện lắp đặt thiết bị GSHT mà quan trọng hơn là sử dụng thông tin hiệu quả để xử lý vi phạm hoặc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác IUU cao.
Một khía cạnh nữa liên quan tới việc nhu cầu thị trường cần thông tin truy xuất nguồn gốc từ các sản phẩm thủy sản từ đó dẫn tới việc thực hiện nhật kí khai thác điện tử là một nhu cầu cần thiết. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận làm rõ các yêu cầu, tiêu chí để lựa chọn các thiết bị, công nghệ phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc điện tử chuẩn bị cho mô hình thí điểm với chuỗi giá trị cá ngừ đại dương tại tỉnh Bình Định.
Hơn 40 đại biểu đến từ từ Tổng cục Thủy sản như Trung tâm Thông tin thủy sản, Vụ Khai thác thủy sản, Vu Pháp chế – Thanh tra, Cục Kiểm ngư và Chi cục Thủy sản địa phương như Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau… ; các tổ chức hiệp hội như Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hội Nghề cá Viêt Nam; Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện Nghiên cứu hải sản; các chuyên gia về công nghệ nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc; tổ chức phi chính phủ; các đơn vị cung cấp thiết bị GSHT, thiết bị ghi nhật ký điện tử, phần mềm về truy xuất nguồn gốc và các đơn vị truyền thông.
Liên quan tới tọa đàm về mô hình thí điểm nhật ký khai thác điện tử, ông Phạm Ngọc Tuấn – Vụ Phó Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục thủy sản đã làm rõ các quy trình về ghi, nộp nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản hiện hành.
Bà Nguyễn Thu Huệ – Giám đốc MCD
Các đại diện đến từ 7 đơn vị nghiên cứu phần mềm, cung cấp thiết bị điện tử đã đến tham dự và đóng góp ý kiến, thể hiện mong muốn, quyết tâm trong việc đưa ra các giải pháp công nghệ cho nhật ký khai thác và truy xuất nguồn gốc điện tử phục vụ thí điểm. Các đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ điện tử vào quản lý khai thác và truy xuất nguồn gốc, giúp đơn giản hóa các quy trình thủ tục giấy tờ và quan trọng hơn cả là đáp ứng các nhu cầu truy xuất nguồn gốc và tính chính xác của nhật ký khai thác. Tuy nhiên, đây là một tiến trình bao gồm nhiều bước và cần có một lộ trình phù hợp. Các doanh nghiệp bày tỏ thiện chí và sẵn sàng hợp tác để ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trước mắt của thí điểm và nhu cầu lâu dài là tinh thần hội nhập quốc tế của ngành thủy sản.
Xem thêm
- Hội thảo tham vấn và lập kế hoạch thí điểm công nghệ nhật ký đánh bắt điện tử và truy xuất nguồn gốc (eCDT) trong chuỗi giá trị cá ngừ tại tỉnh Bình Định
- Chương trình “Đối thoại Biển – Tăng cường hiểu biết của học sinh về quản lý rác thải rắn và rác thải nhựa đại dương”
- Tham vấn kĩ thuật nhằm thí điểm hệ thống công nghệ điện tử giảm thiểu Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam