Tin tức
Hội thảo Nâng cao hiệu quả truyền thông Biến đổi khí hậu
Hôm nay (7/11), tại Hà Nội, Nhóm làm việc về Biến đổi khí hậu (BĐKH) của các tổ chức Phi chính phủ tại Việt Nam (CCWG) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả truyền thông biến đổi khí hậu.
Với sự tham gia của khoảng 100 đại diện tới từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức phát triển trong và ngoài nước, giới truyền thông, các viện nghiên cứu/trường đại học, ngoài nhiều tham luận/thảo luận, và một triển lãm chia sẻ kinh nghiệm hoạt động truyền thông BĐKH, Hội thảo còn chia sẻ một số thông tin cập nhật liên quan đến BĐKH và truyền thông trong lĩnh vực này như: một số kết quả chính của Báo cáo đánh giá thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Báo cáo Người dân Việt Nam đang thích ứng với biến đổi khí hậu thế nào và truyền thông có thể làm gì để hỗ trợ họ. Cùng với đó hội thảo cũng công chiếu bộ phim hoạt hình ngắn “Có phải Trái Đất đang sốt?” – một sản phẩm truyền thông về BĐKH đơn giản, dễ hiểu và sinh động do nhóm thanh niên trong mạng lưới Thế Hệ Xanh và nhóm Bé Mầm xây dựng, phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Plan International.
Tham dự hội thảo, các đại biểu cho rằng, để làm tốt công tác truyền thông về biến đổi khí hậu đòi hỏi sự quan tâm và hợp tác giữa các bên liên quan từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, báo chí tới cán bộ dự án phát triển và cộng đồng.
Theo ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường – Tổng cục Môi trường: “Bài toán làm sao để các bên liên quan chuyển tải những thông tin đơn giản, dễ hiểu, đúng lúc và có hiệu quả cho các đối tượng là vấn đề hiện nay. Ngoài ra, đối tượng truyền thông đó là ai, liệu có phải là những nơi bị tác động không, hay thậm chí là những người ra chính sách, như vậy thì đối tượng truyền thông và cách truyền thông phù hợp với đối tượng là một cách để chúng ta tăng hiệu quả. Nguồn lực cho truyền thông biến đổi khí hậu có rất nhiều chương trình dự án, thì phải làm sao liên kết lại với nhau để mọi người có tiếng nói đồng bộ với các sắc thái khác nhau nhưng có kế hoạch”.
Việt Nam là một trong các nước được dự đoán là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH nhất thế giới, việc truyền thông để người dân hiểu về các tác động này và có các biện pháp thích ứng là cực kỳ quan trọng. Theo Bà Natalia Tapies, Phó Giám đốc của tổ chức CARE, đại diện cho Nhóm CCWG, truyền thông về vấn đề này là mối quan tâm lớn của CCWG và nhiều đối tác từ Trung ương tới địa phương. Bà Natalia Tapies cho biết: “Hiểu biết về đối tượng là yếu tố quan trọng không những giúp nâng cao hiệu quả truyền thông về nguy cơ liên quan, mà còn đảm bảo được sự tham gia và phát huy kinh nghiệm của chính người dân trong việc ứng phó với thay đổi.”
Chủ đề “Nâng cao hiệu quả truyền thông biến đổi khí hậu” cũng sẽ được thảo luận trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu – COP 19 sẽ được tổ chức từ ngày 11-22/11/2013 tại Vacsava, Ba Lan. Đại diện Việt Nam sẽ tham dự hội nghị này.