Tin tức
Hội nghị công bố và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình ĐQL, công nhận giao quyền quản lý khu vực Bãi Dứa xã Nhơn Lý và truyền thông về ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại LMMA Vịnh Quy Nhơn.
Trong tháng 5 năm 2020, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị công bố và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình ĐQL, công nhận giao quyền quản lý khu vực Bãi Dứa xã Nhơn Lý và truyền thông về ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại LMMA Vịnh Quy Nhơn.
Ảnh: Các đại biểu tham gia hội nghị
Chuỗi hoạt động nhằm sơ kết các kết quả dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân qui mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Định, Việt Nam” giai đoạn 2 (2017 – 2019). Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình xây dựng mô hình ĐQL áp dụng Luật thuỷ sản 2017 và thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức về ĐQL trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch bền vững tại khu vực biển do địa phương quản lý (LMMA), thảo luận kế hoạch tiếp theo nhằm đảm bảo tính bền vững của dự án với sự tham gia, hợp tác của các bên liên quan trong việc thực thi đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giảm khai thác thuỷ sản bất hợp pháp tại khu vực duyên hải Miền Trung, Việt Nam.
Ảnh: Hoạt động truyền thông và giám sát bảo vệ san hô khu vực ĐQL
Tham dự hội thảo có khoảng 60 đại biểu đến từ các đơn vị: Sở NN & PTNT Bình Định, UBND Thành phố Quy Nhơn, Chi cục Thủy sản Bình Định, Phòng kinh tế Quy Nhơn, Phòng văn hoá thông tin, Sở Du lịch, Hiệp hội thủy sản Bình Định, Đồn Biên phòng Nhơn Lý, UBND và tổ cộng đồng các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng; đại diện khu vực miền trung: BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Đại diện xã Tân Hiệp; các tổ chức MCD, GEF và các cơ quan truyền thông địa phương.
Tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái (EAFM) là phương thức cần thiết được sử dụng để hỗ trợ phát triển bền vững và cân bằng các yếu tố bao gồm lợi ích sinh thái, sinh kế của cộng đồng trong một cơ chế quản trị tốt ở các khu vực có hoạt động nghề cá. Ở Việt Nam, phương thức này đã được các nhà quản lý quan tâm và được đưa vào nguyên tắc chung của quản lý hoạt động thủy sản (Luật thủy sản 2017). Đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là một phần của tiếp cận EAFM và được sử dụng như một phương thức hữu hiệu đã được đưa vào văn bản pháp lý tại Điều 10-Luật Thủy sản 2017 và đã được hướng dẫn thực hiện theo NĐ26/CP ban hành ngày 24/5/2019.
Tại hội nghị, Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc MCD chia sẻ các kết quả dự án và bài học kinh nghiệm từ thực tế thí điểm EAFM/đồng quản lý trong bảo vệ NLTS, các khuyến nghị và đề xuất nhằm tiếp tục các sáng kiến tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tháo gỡ những khó khăn và đề xuất các giải pháp thích hợp góp phần nhân rộng mô hình đến các khu bảo tồn trên cả nước.
Mô hình ĐQL ở Bãi Dứa thuộc LMMA Vịnh Quy Nhơn là mô hình mẫu đầu tiên về đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017 tại Bình Định và toàn quốc. Khu vực được lựa chọn căn cứ vào nhu cầu cấp thiết của cộng đồng địa phương trên các khía cạnh như bảo vệ hệ sinh thái và đảm bảo sinh kế lâu dài của người dân. Đồng thời, việc áp dụng Phương án quản lý và quy chế hoạt động đã nhận được sự đồng thuận cao và cam kết từ tổ cộng đồng nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình. Ngày 04 tháng 02 năm 2020, UBND TP Quy Nhơn đã ra quyết định 445/QĐ-UBND công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Bãi Dứa, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn (gọi tắt là Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý).
Ông Trần Kim Dương, Phó chi cục Trưởng, chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ cơ hội và thách thức trong quá trình xây dựng mô hình Đồng quản lý tại Bãi Dứa, Nhơn Lý. Dựa vào cơ sở thực tiễn về thực hành các nguyên tắc quản lý nghề cá ven bờ theo cách tiếp cận EAFM/đồng quản lý tại LMMA Vịnh Quy Nhơn để đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất đóng góp cải thiện chính sách cấp quốc gia và địa phương.
Ông Nguyễn Thành Danh (phó chủ tịch UBND xã Nhơn lý, Trưởng ban Trưởng Ban đại diện Tổ cộng đồng xã Nhơn Lý) chia sẻ kinh nghiệm vận động thành lập Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý, xây dựng phương án quản lý khu vưc rạn san hô Bãi Dứa và quy chế hoạt động quản lý gắn khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch bền vững tại khu vực.
Tham dự hội thảo, đại diện đến từ Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng chia sẻ những kết quả đã đạt được đến năm 2019 và trình bày kế hoạch thực hiện đồng quản lý Tiểu khu bãi Hương trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu và các hoạt động chính của kế hoạch bao gồm (i) bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và đa dạng sinh học; (ii) đăng ký các phương tiện khai thác hợp pháp và thực thi các quy định khai thác hợp pháp; (iii) tăng cường năng lực tổ chức cộng đồng; (iv) và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng như một sinh kế tạo thu nhập (đóng góp 50-60% thu thập hộ gia đình).
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ngư dân qui mô nhỏ và hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển cấp địa phương, tỉnh Bình Định, Việt Nam – giai đoạn 2” được tài trợ bởi Quỹ ADM Hồng Kông, do MCD chủ trì và phối hợp cùng Chi Cục Thủy sản tỉnh Bình Định, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định. Mục đích nhằm tăng cường năng lực thể chế, và phát triển chính sách ở các vùng ven biển ở Nam Trung Bộ bằng cách cải thiện kĩ năng và kinh nghiệm địa phương áp dụng EAFM (tiếp cận quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái).
Với mục tiêu hỗ trợ các địa phương quản lý bền vững các khu vực có tính đa dạng sinh học cao tại khu bảo vệ biển do địa phương quản lý, nơi hệ sinh thái san hô và nguồn lợi thủy sản quan trọng cần được bảo vệ và duy trì. MCD đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế thay thế bền vững nhằm cải thiện và đa dạng nguồn thu nhập hộ gia đình cho người dân vùng ven biển là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của cộng đồng vào hệ sinh thái, giúp giảm khai thác quá mức và góp phần phục hồi hệ sinh thái.