Tin tức
Hải Đăng Xanh là gì?
Bạn đang có dự định ứng tuyển vào chương trình Thực tập sinh Hải Đăng Xanh? Bạn có những thắc mắc nhưng không biết hỏi ai?
Hãy liên lạc với chúng tôi, để được giải đáp.
Qua Fanpage: http://www.facebook.com/mcdvietnam.org
Qua Email: ttha@mcdvn.azurewebsites.net
Bằng điện thoại: 04.2221.2923
Link đăng kí tham dự chương trình: http://www.jotform.me/tuyendunghaidangxanh/dondangky
1. Hải Đăng Xanh là gì?
Chương trình Hải Đăng Xanh (HĐX) do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) khởi xướng, nhằm huy động sự tham gia, trí tuệ và năng lực của thanh niên sinh viên Việt Nam để tăng cường tính bền vững, độ lan tỏa và sức mạnh cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và các vùng ven biển Việt Nam nói riêng.Với các bước Thắp Lửa-Tỏa Sáng-Lan Tỏa, diễn ra từ 3/2013 – 3/2014, chương trình Hải Đăng Xanh quy tụ 28 nhóm Hải Đăng Xanh (tượng trưng cho số tỉnh ven biển Việt Nam) được Thắp Lửa thông qua tuyển chọn và đào tạo các kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu, làm việc cùng các tổ chức hoạt động vì môi trường và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Các HĐX này sẽ Tỏa Sáng tới các thanh niên sinh viên khác và 500 cư dân ưu tú tại các xã ven biển, thực hiện các sáng kiến hoặc mô hình ứng phó BĐKH cụ thể. Từ đó LAN TỎA tới 3260 thanh niên sinh viên (tượng trưng cho số km đường bờ biển khu vực đất liền) tham gia các hoạt động của chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vùng biển đảo cả nước. Với sự hỗ trợ của truyền thông, những thông điệp, thông tin về biến đổi khí hậu tới được 1 triệu sinh viên, thanh niên khác ở cả thành phố và các tỉnh ven biển lựa chọn.
2. Tôi có lựa chọn nào phù hợp với kiến thức kĩ năng của mình khi tham gia Hải Đăng Xanh ?
Chương trình Hải Đăng Xanh hỗ trợ các vị trí thực tập tại 4 phòng ban:
- Truyền thông
- Nghiên cứu
- Quản lý tài nguyên
- Phát triển cộng đồng
3. Ai có thể tham gia chương trình Hải Đăng Xanh?
Cử nhân, kỹ sư vừa tốt nghiệp đại học hoặc sinh viên đang theo học tại các trường đại học trong cả nước (ưu tiên sinh viên năm cuối có thể sắp xếp thời gian thực tập hoặc làm luận văn liên quan đến nội dung chương trình)
4. Tham gia Hải Đăng Xanh tôi cần đáp ứng được những yêu cầu gì?
- Có hiểu biết hoặc được đào tạo chuyên ngành về một trong các lĩnh vực:
- Biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, công nghệ môi trường, sinh thái nhân văn, kinh tế môi trường
- Quản lý vùng ven biển, công trình biển, nuôi trồng thủy sản, quản lý nghề cá, kinh tế
- Phát triển cộng đồng, giới và bình đẳng giới
- Công nghệ thông tin, truyền thông cộng đồng, truyền thông môi trường
- Cam kết dành thời gian hoạt động với chương trình tối thiểu trong 6 tháng
- Khả năng đi thực địa tới các vùng ven biển Việt Nam như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng
- Khả năng thuyết trình, truyền tải kiến thức và kỹ năng
- Khả năng làm việc nhóm
- Sử dụng máy tính tốt
- Biết tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết) là một lợi thế nhưng không bắt buộc
- Ưu tiên các ứng cử viên có mục tiêu phát triển nghề nghiệp tại các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển, các chương trình phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội
5. Tôi sẽ nhận được gì khi tham gia chương trình này?
- Kiến thức và kỹ năng từ các chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai, sinh kế thích ứng, kinh tế hộ gia đình, truyền thông cộng đồng …
- Cơ hội làm việc trực tiếp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm về quản lý môi trường, bảo tồn biển và phát triển cộng đồng từ MCD và các tổ chức NGOs
- Cơ hội thực hành kiến thức và kỹ năng vào các mô hình cụ thể tại các dự án do MCD triển khai
- Chứng chỉ “Hải Đăng Xanh” về các kỹ năng bảo vệ môi trường biển và phát triển cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu
- Năng lực cần thiết để trở thành đào tạo viên, cán bộ dự án, chuyên gia kỹ thuật cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, dự án trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và các nội dung liên quan khác
6. Trung tâm Bảo vệ sinh vật biển và Phát triển cộng đồng là ai?
Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (tên tiếng Anh là: Center for Marinelife Conservation and Community Development, viết tắt là MCD) là tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển và phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam. MCD được thành lập năm 2003 theo Quyết định số 126/QĐ – HBVN ngày 9/05/2003 của Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam và giấy phép hoạt động Khoa học công nghệ số A 088 do Bộ Khoa học Công nghệ cấp.
Từ năm 2009, MCD là thành viên sáng lập của mạng lưới các tổ chức phi chính phủ và biến đối khí hậu tại Việt Nam (VNGO&CC).Từ năm 2010, MCD chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Hiện nay, MCD đang tích cực tham gia nghiên cứu các giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng xây dựng năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vùng ven biển, bước đầu mở rộng khu vực dự án tới một số tỉnh đồng bằng sông MeKong.