Tin tức và góc báo chí
Đại dương trong thời đại hội nhập toàn cầu
Cơ hội mở ra nhưng để đạt mục tiêu, cần phải có những đột phá mới, rất mới, có nội dung thời đại trong suy nghĩ và hành động. Là một quốc gia biển, để chinh phục và khai thác nguồn lợi của biển trong những điều kiện mới như vậy, phải bắt đầu từ việc nhận diện lại chính bản thân biển cả.
Biển hiện đại đã không chỉ còn là thùng nước mặn khổng lồ với nguồn lợi hầu duy nhất là tôm, cá. Biển đã trở thành một nơi chứa đựng nhiều nguồn lực to lớn và cả cảm hứng cho sự phát triển hiện đại.
Có thể bắt đầu từ câu hỏi, tại sao Biển Đông lại trở thành vùng tranh chấp của nhiều quốc gia?. Câu trả lời chung đơn giản là: Vì lợi ích nhiều mặt, to lớn và lâu dài mà Biển Đông mang lại cho ai có nó. Với vị trí địa chiến lược đặc biệt, Biển Đông là “biển vàng” cho con người trong thế kỷ XXI.
Trước hết, hãy kể đến nguồn lợi truyền thống của biển – nguồn lợi thủy sản. Một chuyên gia nghiên cứu thủy sản Việt Nam, người ta lặn lội nhiều năm trong việc tìm cách khai thác nguồn lợi hải sản, nói với tôi rằng các cuộc thử nghiệm của ông và kinh nghiệm của nhiều người khác đều khẳng định không khó khăn gì trong việc mỗi năm kiếm vài triệu USD cho mỗi km bờ biển chỉ bằng việc nuôi trồng thủy sản trên bờ biển gần bờ mà dân bình thường có thể làm được chưa cần công nghệ gì thật cao siêu. Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển.
Nghĩa là, mỗi năm, chúng ta có thể thu 5-6 tỷ USD riêng từ việc nuôi thủy sản trên biển gần bờ. Có thể con số này là khiêm tốn, thậm chí rất khiêm tốn, song nó giúp chúng ta thấy rõ hơn quy mô lợi ích không nhỏ của biển đang nằm trong tầm tay Việt Nam.
Nếu cộng với nguồn lợi khai thác theo kiểu đánh bắt truyền thống từ biển, cộng với nguồn lợi nuôi trồng thủy sản ven biển – trên bờ, con số đó lên đến hàng chục tỷ đô la. Đó là con số chưa tính đến sự hỗ trợ của công nghệ, kỹ thuật cao và nguồn tài chính lớn.
Bên cạnh nguồn lợi thủy sản, biển còn chứa đựng nhiều tài nguyên biển mà đến nay, nhiều thứ trong số đó vẫn chưa định giá được. Đó là tài nguyên dầu khí, là vàng, là muối, là mangan và các loại quặng quý khác…
Ở một tầm mức khác, lợi ích của Biển Đông còn là lợi ích của các tuyến vận tải biển, của đường hàng không trên biển tại một vùng đang trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất thế giới.
Người ta tính rằng, sẽ có tới 2/3 khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới phải đi qua vùng biển này trong 5-10 năm tới. Số lượng các nhà kinh doanh và khách du lịch đi qua đây cũng sẽ tăng vọt.
Du lịch và vận tải hành khách qua Biển Đông bằng tàu thủy và bằng máy bay sẽ bùng nổ. Điều đó tạo cho Biển Đông những lợi ích khổng lồ. Lợi ích đó mang lại cho những quốc gia có chủ quyền đối với mặt biển và bầu trời Biển Đông sức mạnh, không chỉ là tiền bạc mà cả giá trị khống chế chiến lược.
Trong thế giới toàn cầu hóa, biển của Việt Nam đương nhiên không bó hẹp trong phạm vi hơn 1 triệu km2 chủ quyền lãnh hải. Nhưng ngoài phần lãnh hải “gần bờ” đó, giống như các quốc gia khác trên thế giới.
Việt Nam còn có quyền hiện diện, tiến hành nghiên cứu, khảo sát và khai thác trên các vùng biển xa trong hải phận quốc tế. Đại dương là chung của loài người, không phải của riêng của của một vài nước giàu có luôn nuôi tham vọng bá quyền trên biển.
Với không gian – tầm nhìn biển như vậy, ngày nay, chúng ta đang đứng đối diện với không chỉ Biển Đông mà cả đại dương – với Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và cả Bắc Băng Dương.
Nhưng, vấn đề đặt ra là, làm gì để thực thi quyền đó, để biến lợi ích tiềm năng to lớn của biển – đại dương thành sự phát triển hiện thực của đất nước.
Ngược trở lại lịch sử, rút ra từ đó những bài học: Ngắm nhìn thể đứng quốc gia trong cục diện toàn cầu hiện tại, xác định đúng xu hướng, khả năng và triển vọng của loài người trong quan hệ với biển là cách thức duy nhất đúng để giải quyết vấn đề trọng đại đó.
Để ra biển lớn, rõ ràng Việt Nam không thể dựa vào số ngư cụ thể công truyền thống và sức cơ bắp trần trụi hiện có của người ngư dân. Phải có những năng lực mới. Năng lực đó, suốt mấy nghìn năm nước ta chưa tạo ra được.
Mấy nghìn năm không tạo ra được – nghĩa là công việc đó không hề dễ dàng, là thứ không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra cho Việt Nam đang muốn bứt phá khỏi thế tụt hậu xa hơn là phải nhanh chóng tạo ra, làm chủ và khai thác những năng lực mới đó.
Tư duy mới, tầm nhìn đại dương, sự khôn ngoan dân tộc cần phải tập trung để giải quyết vấn đề này. Rất may, công việc đó đang được khởi động một cách bài bản, có tổ chức và với quyết tâm vươn ra biển lớn đã tích nén trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Chiến lược biển đầu tiên của Việt Nam chính là sự mở màn cho chương mới về biển cả, về tương lai của nước Việt Nam.
Với việc triển khai chiến lược biển, trước hết phạm vi không gian chiến lược được mở rộng. Cho đến nay, sự quan tâm chiến lược trong việc giải quyết các vấn đề phát triển chủ yếu giới hạn ở đất liền. Nội dung biển của chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn trước đây cơ bản gói lại trong ngành đánh bắt thủy sản và khai thác một vài thứ tài nguyên (ví dụ, dầu khí, muối) – và cùng chỉ dừng lại ở cấp độ “thô”.
Ngày nay, với tầm nhìn chiến lược biển, không gian chiến lược mở rộng thêm chủ quyền trên biển, cộng thêm quyền tiếp cận đại dương với tư cách là không gian, tài sản chung bao la của loài người. Đối với nước ta, đó không phải chỉ là tầm nhìn Biển Đông mà còn hàm nghĩa tầm nhìn đại dương toàn cầu.
Không gian mở rộng đó, trong điều kiện khoa học – công nghệ phát triển nhanh, bao hàm sự thay đổi đáng kể khái niệm tài nguyên biển: số lượng, khối lượng tài nguyên tăng lên, cơ cấu tài nguyên thay đổi. Sự giàu có của biển không còn giới hạn ở nguồn lợi thủy sản gần bờ và mấy mỏ dầu, khí.
Đó còn là tài nguyên không gian biển (bao gồm bầu trời biển, mặt nước biển, lòng biển và dưới biển) với tất cả sự phong phú của các loại của cải mà để phát hiện và khám phá ra các công dụng của nó, cần phải có một năng lực công nghệ và tài chính hùng mạnh hơn gấp bội.
Đó còn là lợi ích do vận tải biển, một thế mạnh mà nếu nhìn vào triển vọng của sự bùng nổ phát triển vùng Tây Thái Bình Dương (nối hai bờ Đông Á và bờ Tây Châu Mỹ), sẽ lớn đến mức khó hình dung một giới hạn cụ thể.
Nhưng tầm vóc của chiến lược trong tầm nhìn biển – đại dương không giới hạn chỉ ở không gian địa lý của chiến lược. Nó còn phản ánh một tầm tư duy mới trong chiến lược phát triển đất nước: đó là tư duy vượt thoát khỏi “tư duy đất liền” mở ra “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.
Như vậy, vấn đề đặt ra là cần xác lập mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nội dung chiến lược kinh tế biển như thế nào cho phù hợp với bối cảnh hiện đại.
Thứ nhất, cần đánh giá tổng thể và đầy đủ tiềm năng lợi ích của biển trong khung cảnh động, gắn với thành tựu phát triển khoa học, công nghệ. Chưa thể nói nước ta đã xác định rõ và chính xác tiền đề cơ bản đầu tiên để xây dựng chiến lược này. Mà không rõ tiền đề đó, khó định vị đúng hướng khai thác tiềm năng và lợi thế do biển mang lại trên quan điểm ưu tiên. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, Biển Đông lại đang là vùng tranh chấp quốc tế, nếu không xác định được tiềm năng biển tổng thể, từ đó, định ra các ưu tiên khai thác và phát triển cụ thể, chính xác các nguồn tài nguyên trong một tầm nhìn dài hạn, kết hợp được tất cả các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng… thì khả năng rủi ro hoặc hiệu quả thấp khi xây dựng và thực thi chiến lược sẽ là lớn.
Thứ hai, mục tiêu của chiến lược biển mà Đảng đã xác định tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) vừa qua là “nước ta phải trở thành quốc gia về Biển”. Đây là một mục tiêu lớn, mang tính tổng thể. Con đường, phương thức đạt được mục tiêu đó không có gì khác hơn là thực thi thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa biển, là khai thác các tiềm năng biển một cách hiệu quả trong một lộ trình được thiết kế tối ưu (mang tính “rút ngắn” cao).
Nhưng việc khai thác biển, dù đối tượng là loại tài nguyên gì, để bảo đảm tính bền vững, luôn đòi hỏi một trình độ công nghệ cao và thường là công nghệ khác với các loại công nghệ sử dụng trên đất liền. Câu hỏi đặt ra là nguồn lực tài chính và công nghệ nào bảo đảm cho chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa biển của việtNam là khả thi (theo lộ trình)? Đây thực sự là một đại vấn đề của chiến lược biển, cũng tức là của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn tới. Vấn đề đó cần được giải quyết về nguyên tắc trong mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba, việc giải quyết “đại vấn đề” nêu trên gắn liền với việc trả lời một câu hỏi khác: lực lượng nào có thể giúp Việt Nam triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên biển một cách hiệu quả nhất theo các chức năng cụ thể?. Nhà nước có thể và cần làm gì? Tư nhân làm gì? Các nhà đầu tư quốc tế, với trình độ và tiềm lực khác nhau, có thể tham gia khai thác biển ở những nội dung nào và với những phương thức nào? Và để lôi kéo các lực lượng khác nhau vào công cuộc chấn hưng vị thế quốc gia trên biển đó, cần phải có cơ hội, chính sách gì?.Đó thực sự là những vấn đề lớn và mới của công nghiệp hóa, hiện đại hóa của giai đoạn tới.
Thứ tư, cần lưu ý rằng việc triển khai chiến lược biển ở nước ta diễn ra trong tình trạng tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển có xu hướng gia tăng. Đây là một đặc điểm lớn, chi phối nhiều mặt đến cả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên biển lẫn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên bờ. Nguồn gốc vấn đề là ở chỗ các nguồn lực phục vụ công nghiệp hóa của biển, xét về mặt tiềm năng là rất lớn. Tranh chấp biển để giành giật các nguồn lực đó hầu như sẽ là điều tất yếu xẩy ra một khi các nền kinh tế gần bề Biển Đông đều có tốc độ tăng trưởng cao, suất tiêu dùng tài nguyên rất lớn (một phần do công nghệ lạc hậu). Đặc biệt trong số này, sự hiện diện của những nền kinh tế khổng lồ tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ càng làm cho nguy cơ đó tăng lên.
Giải quyết tranh chấp, xung đột trên biển đang là vấn đề rất lớn đặt ra. Mức độ gay gắt của nó có xu hướng gia tăng. Động thái chung là khó giải quyết triệt để vấn đề (theo nghĩa thỏa mãn điều kiện của tất cả các bên). Trong khi đó, giải quyết tranh chấp trên biển là tiền đề để hợp tác và cạnh tranh phát triển bình thường, do đó, nó cũng chính là tiền đề định hướng phát triển cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cả trên đất liền lẫn trên biển.
Đây là nhóm vấn đề rất lớn và hoàn toàn không để giải quyết. Trong khuôn khổ mô hình công nghiệp hóa, hiện địa hóa cho giai đoạn hội nhập, vấn đề lại càng mới khi đặt nó trong tổng thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia.
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam