Nghề cá, sinh kế bền vững và phát triển cộng đồng
Chính sách quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái
Ngày 18/10/2016, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách quản lý nghề cá dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái
Đại biểu tham dự hội thảo
Tham dự hội thảo gồm đông đảo đại diện các cơ quan quản lý thủy sản cấp trung ương, Chi cục Thủy sản Bình Định, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế, Ban quản lý khu bảo tồn biển cù lao Chàm, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn, đại diện chính quyền và ngư dân của các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý và Nhơn Hội thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tại Hội thảo, các nhu cầu và định hướng chính sách đối với bộ công cụ EAFM (Quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái) đã được chia sẻ; kinh nghiệm và ví dụ điển hình về thí điểm thực hiện EAFM tại khu bảo vệ biển (LMMA) Quy Nhơn, Bình Định; bài học kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện kế hoạch EAFM tại khu bảo tồn biển cù lao Chàm tỉnh Quảng Nam và kinh nghiệm xây dựng và quản lý khu bảo vệ thủy sản theo tiếp cận hệ sinh thái tại Thừa Thiên Huế, bên cạnh đó các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tiến hành thảo luận các vấn đề liên quan đến việc thực hiện EAFM tại vùng biển ven bờ các tỉnh miền Trung, cơ chế chính sách và giải pháp để thực hiện EAFM tại Việt Nam …
“EAFM là phương pháp chuyển dịch từ một hệ thống quản lý chỉ tập trung vào khai thác bền vững các loài mục tiêu đến một hệ thống đồng thời quan tâm đến các nhân tố khác trong hệ sinh thái, các phúc lợi về kinh tế xã hội có được do sử dụng của các yếu tố từ hệ sinh thái” (Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO 2012). EAFM bao gồm cả các phúc lợi về con người và phúc lợi về sinh thái, giúp cân bằng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và cấu trúc hệ sinh thái với chức năng cung cấp nguồn thực phẩm, thu nhập, sinh kế cho các phúc lợi của con người.
Quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý nghề cá dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái gồm 05 bước: Bước 1 – Xác định phạm vi đơn vị quản lý nghề cá (FMU), Bước 2 – Xác định mục tiêu, xây dựng đề cương sơ bộ, Bước 3 – Xây dựng và phê duyệt kế hoạch EAFM, Bước 4 – Triển khai kế hoạch EAFM, Bước – 5 Giám sát, đánh giá và điều chỉnh.
Tại khu vực Đông Nam Á, Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) khuyến khích áp dụng EAFM tại các nước thành viên và đã có điển hình về áp dụng tiếp cận EAFM tại Philippine, Chính phủ đã thông qua Quản lý nguồn lợi ven bờ (CRM) như chiến lược quốc gia bao gồm nhiều nguyên tắc của EAFM; kế hoạch phát triển của Philippine (2011–2016) đã đề cập “áp dụng EAFM để quản lý nghề cá và nguồn lợi biển, bao gồm chính sách xuyên biên giới và các mối quan tâm pháp lý” để thực thi chiến lược trong việc tăng cường quản lý nguồn lợi biển; Tại Indonesia, Cục Nguồn lợi thủy sản thuộc Bộ các vấn đề về biển và nghề cá (MMAF) là tiên phong trong áp dụng EAFM thông qua lộ trình thành lập nhóm chuyên gia EAFM, xây dựng bộ chỉ số để đo mức độ thực hiện EAFM để hỗ trợ xây dựng quy chế và kế hoạch EAFM cho 11 khu vực quản lý nghề cá.
Tại Hội thảo các đại biểu đã thống nhất cho rằng việc áp dụng EAFM là cần thiết và cũng đã, đang thực hiện thành công tại Cù lao Chàm tỉnh Quảng Nam và nhận thấy để thực hiện thành công được EAFM thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ và tham gia của các ngành có liên quan như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa thể thao và du lịch…. Kế hoạch EAFM phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện trong thời hạn dài (5 năm hoặc 10 năm); phải có cơ chế tài chính bền vững …
Để EAFM áp dụng rộng rãi và được xem như một phương pháp quản lý nghề cá tại Việt Nam, các đại biểu thống nhất cần có quy định cụ thể về EAFM trong các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của cơ quan trung ương; các đại biểu tham dự Hội thảo đã thống nhất đề nghị đại diện cơ quan quản lý thủy sản trung ương nghiên cứu, đề xuất đưa EAFM vào trong dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi đang được Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng.
Nguồn: Hữu Bình – Cổng thông tin điện tử Tổng cục thủy sản – tongcucthuysan.gov.vn