Danh mục cho trang giới thiệu
Chia sẻ kết quả nghiên cứu đầu kỳ tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Trong 2 ngày 09-10/06/2016, Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), UBND huyện Giao Thủy và các đối tác đã tổ chức thành công hội thảo chia sẻ và ghi nhận phản hồi về kết quả nghiên cứu đầu kỳ tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của Thanh niên trong thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng Đồng bằng sông Hồng” (READY).
Sau hơn 6 tháng thực hiện các khảo sát, đánh giá nhằm cung cấp thông tin đầu vào phục vụ việc lập kế hoạch dự án, Viện AMDI và các đối tác tổ chức hội thảo này nhằm chia sẻ các kết quả đánh giá về: Kiến thức – Thái độ – Hành vi (KAP) của người dân và đặc biệt là đối tượng thanh niên trong thích ứng BĐKH, tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng BĐKH của các địa phương, xu hướng ảnh hưởng của BĐKH và kịch bản nước biển dâng đến năm 2100, nhu cầu và năng lực thích ứng BĐKH của Đoàn Thanh niên các cấp.
Bên cạnh mục tiêu chia sẻ và tiếp thu các phản hồi thông tin về chủ đề thích ứng BĐKH, sự kiện này còn hướng tới kết nối các bên liên quan của dự án để chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động thích ứng BĐKH cấp huyện cho huyện Giao Thủy và chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án với các địa bàn dự án khác.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại hội thảo
Về dự hội thảo có đại diện của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) tỉnh Nam Định, UBND huyện Giao Thủy, Đoàn Thanh niên huyện Giao Thủy, Phòng TNMT và Phòng NN-PTNT huyện Giao Thủy, đại diện lãnh đạo và người dân các xã dự án: Giao An, Giao Tiến, Giao Nhân, đại diện Ban quản lý dự án của các tổ chức AMDI, MCD và CECR.
Xuyên suốt quá trình hội thảo, các phiên báo cáo đều nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ phía các đại biểu tham dự, đặc biệt là đại diện người dân các xã dự án. Đây là những người hơn ai hết có nhiều kinh nghiệm thực tế về tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội cũng như tình hình thời tiết – khí hậu và ảnh hưởng của BĐKH tại địa phương. Từ những ý kiến đóng góp này, Viện AMDI sẽ hoàn thiện báo cáo cuối cùng và tài liệu hóa các báo cáo để chia sẻ rộng rãi với các địa phương cũng như các tổ chức, học giả và những nhà thực hành trong lĩnh vực giảm nhẹ và thích ứng BĐKH.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phùng Văn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy nhận định rằng: “BĐKH không còn là điều gì xa xôi nữa mà nó đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra. Vì thế mỗi người cần có những hành động cá nhân để hạn chế BĐKH và làm cho quá trình này diễn ra chậm lại”. Theo ông Phùng Văn Nhân, hiện nay BĐKH đã có nhiều tác động rõ rệt lên đời sống ở địa phương. Có thể kể đến một số hiện tượng đã được ghi nhận như: tần suất và cường độ thiên tai bất thường, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn, v.v.
Ông Phùng Văn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy phát biểu tại hội thảo
Ông cũng chia sẻ kỳ vọng rằng Dự án READY sẽ giúp đề xuất những điểm còn tồn tại trong thích ứng BĐKH tại địa phương và các giải pháp khắc phục. “Hiện nay huyện chỉ mới xây dựng kế hoạch Phòng chống thiên tai cấp huyện còn BĐKH là một lĩnh vực rất rộng (…). Mong rằng dự án sẽ hỗ trợ huyện xây dựng kế hoạch thích ứng BĐKH cấp huyện. Kế hoạch này sẽ được đưa vào chương trình phát triển kinh tế xã hội hàng năm.” Đồng thời, ông Phùng Văn Nhân cũng cho biết những kiến thức, sáng kiến và thực hành tốt về thích ứng BĐKH trong khuôn khổ dự án đã được chính quyền cấp huyện biết đến. Các sáng kiến này sẽ được thông qua và nhân rộng tới 19 xã trên toàn huyện chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi 3 xã thuộc dự án.
Đại diện người dân phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thích ứng BĐKH cho từng địa phương như: tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường và BĐKH, tập huấn cho thanh niên để họ trở thành những tuyên truyền viên về BĐKH tại địa phương, xây dựng và hướng dẫn các chương trình thực hành thích ứng BĐKH, gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế – xã hội, v.v.
Tiếp sau hội thảo chia sẻ và tham vấn này, các hoạt động cụ thể trong nỗ lực thích ứng với BĐKH sẽ được triển khai tại huyện Giao Thủy, cũng như 2 địa bàn dự án còn lại là huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Cát Hải (Hải Phòng). Trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 9/2016, dự kiến Viện AMDI và MCD sẽ cùng với chính quyền địa phương các huyện xây dựng kế hoạch thích ứng BĐKH cấp huyện, kế hoạch truyền thông tổng thể về BĐKH và triển khai các sáng kiến thích ứng BĐKH do thanh niên các huyện đề xuất.
*Thông tin tham khảo:
Dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng” với mục tiêu chung là thúc đẩy các sáng kiến thích ứng BĐKH vùng đồng bằng sông Hồng hiệu quả, sáng tạo và tăng cường vai trò tiên phong của thanh niên trong công tác ra quyết định và hành động thích ứng BĐKH. Dự án được tài trợ bởi cơ quan USAID và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2015 – 2018, được chủ trì thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và tham gia thực hiện cùng với đối tác Viện Quản lý và Phát triển châu Á (AMDI) và Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR).
Nguồn: Ngọc Quỳnh – AMDI