Góc báo chí
Cần hỗ trợ người nuôi tôm có trách nhiệm
Từ 20 – 21/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm tại VN: Kết quả nghiên cứu, cơ hội tài trợ và tương lai của các hộ nuôi quy mô nhỏ” do Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển & phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức.
TS Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm VN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực. Năm 2011, sản lượng XK tôm lên tới 220.000 tấn, tương đương 2,4 tỷ USD (chiếm 38% tổng giá trị XK thủy sản). Tuy nhiên, các hộ nuôi tôm, nhất là hộ nhỏ lẻ của 30 tỉnh, thành đang đối diện với nhiều khó khăn như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…
PGS.TS Lê Xuân Sinh, Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ nhắc lại vụ kiện chống phá giá tôm năm 2004 đã khiến tới 70% người nuôi tôm, thương lái và nhà máy chế biến XK khốn đốn. Thế nhưng hiện cũng chỉ có gần 40% tôm giống được kiểm dịch, chủ yếu là các trại nuôi lớn. Vấn đề thức ăn thủy sản chiếm từ 50 – 60% chi phí nuôi tôm cũng gây khó khăn cho người nuôi tôm. Nhiều ngân hàng e ngại không muốn cho vay nuôi tôm…
Nhiều thành viên có mặt tại hội thảo “ngưỡng mộ” kết quả nuôi tôm của Cà Mau khi tổng diện tích nuôi tôm là hơn 260.000 ha với 28 công ty, 38 xí nghiệp nuôi tôm, XK trên 80.000 tấn tôm (chiếm trên 40% kim ngạch XK tôm cả nước), tôm Cà Mau có mặt tại 82 quốc gia.
Tuy nhiên, ông Châu Công Bằng, đại diện Sở NN-PTNT Cà Mau cũng e ngại khi ngày càng có nhiều nước đòi tăng tần suất kiểm tra chất lượng tôm VN (chủ yếu dư lượng kháng sinh, hóa chất), thiết lập hàng rào kỹ thuật, thuế quan gây thiệt hại cho DN chế biến XK và người nuôi tôm hiện nay.
Để giảm rủi ro cho nghề nuôi tôm và nâng cấp chuỗi giá trị SX tôm, TS Lê Xuân Sinh đề xuất cần phải làm tốt công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi, SX giống tập trung; chú ý quy trình SX sạch, kể cả sau thu hoạch.
Thành lập và phát triển các HTX hoặc mô hình liên kết hiệu quả, tăng cường nhận thức và áp dụng các mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn có chứng nhận (tôm sinh thái, GlobalGAP…). Hạn chế tối đa hiện tượng bơm chích tạp chất vào tôm sú nguyên liệu.
Đặc biệt tăng cường liên kết kinh tế giữa người nuôi và nhà máy chế biến thủy sản nhằm hạn chế trung gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm…
Ông Châu Công Bằng chia sẻ kinh nghiệm đang được áp dụng tại Cà Mau. Đó là vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm nuôi tôm nhằm hỗ trợ, tái đầu tư SX khi gặp rủi ro, bất khả kháng; tổ chức liên kết giữa hộ nuôi tôm với DN cung cấp vật tư, nhà máy chế biến và ngân hàng để tạo sự liên kết chặt chẽ, giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Nhà nước cần hỗ trợ để áp dụng tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc điện tử của chuỗi giá trị SX tôm theo tiêu chuẩn CoC, ASC, GlobalGAP…
Theo nongnghiep.vn