Tin tức
Các cơ hội và thách thức, đề xuất cải thiện nghề khai thác (cá ngừ) quy mô nhỏ góp phần giảm thiểu IUU tại tỉnh Bình Định
Hội thảo Thực hành cộng đồng thuộc Dự án Cải thiện Nghề cá (FIP) Châu Á Thái Bình Dương (tại Bali, Indonesia từ 15 – 17/10/2019) đã tập hợp hơn 100 đại biểu là những người thực hành cộng đồng thực hiện FIP từ khắp khu vực Châu Á Thái Bình Dương để chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thành công và thách thức để đạt mục tiêu cuối cùng là cải thiện tác động và hiệu quả của các dự án FIP trong khu vực. Khách mời của hội thảo bao gồm các bên liên quan hiện đang tham gia vào FIP hoặc dự định tham gia vào FIP trong khu vực (các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, ngành công nghiệp, ngư dân và các tổ chức nghiên cứu khoa học).
Hội thảo nhằm mục tiêu:
- Chia sẻ những bài học kinh nghiệm, thành công và thách thức của các bên tham gia thực hành FIP trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương;
- Tăng cường hợp tác giữa các bên thực hành FIP bằng cách xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa các tổ chức tham gia vào FIP;
- Duy trì một cộng đồng thực hành bằng cách tạo một diễn đàn để những người thực hiện dự án FIP cùng tham gia, trao đổi thông tin và học tập.
Thực hành cộng đồng là một nhóm những người chia sẻ mối quan tâm hoặc niềm đam mê đối với một công việc họ làm và học cách làm điều đó tốt hơn khi họ tương tác thường xuyên.
Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc, đại điện MCD đã trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm từ các đối tác trong khu vực thực hành FIP thông qua bài trình bày trong phiên thảo luận chủ đề số 5: “Các cơ hội và thách thức, đề xuất cải thiện nghề khai thác (cá ngừ) quy mô nhỏ góp phần giảm thiểu IUU tại tỉnh Bình Định”.
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung Việt Nam, có nguồn lao động dồi dào tham gia vào nghề cá ngừ với 20.000 lao động trong đó phần lớn là những người có kinh nghiệm đi biển. Hiện nay, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đã đạt 30 triệu USD/năm, ngành thủy sản của tỉnh được kỳ vọng là sẽ đáp ứng yêu cầu kiểm dịch khắt khe của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật…
Cơ hội lớn này mang lại không ít những thách thức cho cộng đồng ven biển nơi đây bởi kiến thức của ngư dân còn hạn chế, tỷ lệ đánh bắt lại không ổn định và chất lượng, giá trị sản phẩm chưa cao, việc tuân thủ các quy định khai thác bền vững và thực thi truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần cải thiện.
Đại diện MCD và Chi cục Thủy Sản tỉnh Bình Định đã bàn luận và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị: (i) Cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ cần được nâng cao năng lực khai thác bền vững và thân thiện với môi trường, giảm thiểu khai thác tận thu (trong đó có cá mập và rùa biển); (ii) Thực hành nhật ký khai thác (chuyển từ dạng giấy thành điện tử) để dễ dàng theo dõi và lưu trữ qua thời gian; (iii) tuân thủ các quy định cấp giấy phép khai thác theo hạn ngạch Luật Thủy sản 2017; (iv) Giám sát hành trình tàu cá để xác nhận nguồn gốc khai thác là hợp pháp (CoC) và (v) Các doanh nghiệp liên kết với chủ tàu và cơ sở mua hàng nhằm truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thực hành trách nhiệm xã hội.
MCD với vai trò hỗ trợ năng lực kỹ thuật, thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng thực hành FIP và giảm thiểu IUU (truy xuất nguồn gốc, báo cáo dữ liệu VMS) phối hợp giữa các bên / mạng lưới hợp tác. Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc đại điện cho MCD đã trao đổi, chia sẻ và học tập kinh nghiệm từ các đối tác trong khu vực FIP.
Cuộc hội thảo đã diễn ra thành công, MCD đã chia sẻ, học tập kinh nghiệm của các nước và thảo luận cơ hội hợp tác cùng các tổ chức tham gia Dự án Cải thiện Nghề cá (FIP) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.