Hoạt động
Khóa tập huấn: Nâng cao năng lực nghiên cứu biến đổi khí hậu cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO) Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các mô hình, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong ứng phó Biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực cố gắng nghiên cứu, trau rồi các kiến thức về Biến đổi khí hậu để tăng cường năng lực, góp phần chung tay giảm thiểu và thích ứng với Biến đổi khí hậu.
Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường kỹ năng nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Biến đổi khí hậu cho các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam (VNGOs)” được tài trợ bởi APN, khóa tập huấn: “Nâng cao năng lực nghiên cứu biến đổi khí hậu cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Việt Nam”, diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 7 đến 11 tháng 9 năm 2014) do MCD và AMDI phối hợp tổ chức. Khóa học dành cho các học viên là cán bộ đến từ các tổ chức thành viên của mạng lưới Các tổ chức phi chính phủ Việt Nam và Biến đổi khí hậu (VNGO & CC).
Khóa tập huấn được tổ chức nhằm mục đích nâng cao kỹ năng, năng lực nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu, bao gồm việc truyền tải các kiến thức thông qua các bài giảng về nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Viêt Nam, tăng cường tính tương tác \ giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách, cung cấp đầu vào mang tính khoa học nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về những vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Việt Nam (VNGO & CC).
Nội dung tập huấn giới thiệu và tổng hợp các thông tin cơ bản, cập nhật nhất về BĐKH. Các học viên đã được nghe giới thiệu về Biến đổi khí hậu (BĐKH) và các khái niệm liên quan (phân biệt giữa thời tiết và khí hậu, thích ứng và giảm nhẹ….) đồng thời cập nhật lịch sử hoạt động, nhận thức về BĐKH trên toàn cầu, các cơ chế chính sách và chiến lược liên quan đến Thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững (carbon thấp, hài hòa với thiên nhiên, tái chế tài nguyên, tăng trưởng xanh), về phương pháp nghiên cứu khoa học và các cách tiếp cận chính, cách tiếp cận mới dựa trên hệ sinh thái, cập nhật các thông tin về kịch bản BĐKH, các xu hướng diễn biến của BĐKH trên toàn cầu cũng như các dự báo, dự tính về BĐKH trong tương lai và kỹ năng hạ thấp quy mô (downscaling), dưới sự hướng dẫn của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học thuộc Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp đến từ Viện khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN). Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên – Đại học Cần Thơ.
Trong toàn khóa học các giảng viên đã truyền đạt những nội dung rất bổ ích cho các VNGO và đưa ra những ví dụ cụ thể để xây dựng một dự án cho các học viên.Khóa học tập trung đi sâu vào hướng dẫn cho các học viên về các phương pháp và công cụ đánh giá định lượng và định tính trong nghiên cứu về BĐKH. Phương pháp đánh giá tổng hợp: tương quan và hồi quy. Đặc biệt tập trung vào công cụ đánh giá Nông thôn có sự tham gia (PRA), các bài tập thực hành đánh giá, phân tích áp dụng trong thực tiễn, và quá trình lồng ghép của MCD và CARE chia sẻ. Tiếp theo là phần giới thiệu tổng quan về khung logic để khảo sát về BĐKH, các phương pháp áp dụng khung logic vào đánh giá tác động BĐKH tại Việt Nam.
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đã thu nhận được sự truyền đạt nội dung về quá trình xuất bản một bài báo, một kết quả nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học bao gồm các quy định cơ bản trong cách trình bày khi xuất bản các kết quả báo cáo, nghiên cứu ở trong nước và quốc tế. Cuối cùng là tổng kết khóa tập huấn với sự chia sẻ, góp ý của các học viên về khóa học này. Buổi tập huấn đã kết thúc thành công, để lại nhiều bài học sâu sắc cho cả thầy và trò tiếp tục quá trình nghiên cứu khoa học (05 nghiên cứu điển hình) về sau. Khóa đạt được kết quả chuyên sâu qua sự trình bày, chia sẻ các nghiên cứu điển hình của các học viên đến từ MCD, AMDI, SRD, CARE.
MCD