Tin tức
Chương trình đối thoại cộng đồng “Hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm thực hành canh tác lúa tôm hữu cơ tại xã Trí Lực, Huyện Thới Bình, Cà Mau”
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm trong chuỗi giá trị tôm tại Việt Nam giai đoạn 2018 – 2021”, MCD phối hợp với Chi cục Thủy sản Cà Mau và UBND xã Trí Lực tổ chức hoạt động đối thoại cộng đồng “Hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm thực hành canh tác lúa tôm hữu cơ tại xã Trí Lực, Huyện Thới Bình, Cà Mau”.
Đối thoại diễn ra vào ngày 24/9/2020 tại hội trường UBND xã Trí Lực với sự tham gia của gần 30 đại biểu bao gồm: đại diện Chi cục Thủy sản Cà Mau, Chuyên gia Viện nghiên cứu NTTS Nam Sông Hậu, MCD, UBND xã Trí Lực, Doanh Nghiệp xã hội Minh Phú và thành viên của 5 tổ nhóm nuôi tôm lúa trên địa bàn xã Trí Lực – Thới Bình – Cà Mau.
Tại buổi đối thoại, Ông Nguyễn Văn Trung – Chi cục phó CCTS Cà Mau đã chia sẻ những lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ và những khuyến cáo trong thực hành canh tác hữu cơ trong tôm lúa theo yêu cầu của các tiêu chuẩn.
Người dân nhất trí với chủ trương của địa phương về việc thực hiện nuôi tôm – lúa theo hướng tiêu chuẩn tuy nhiên cũng đưa ra các thách thức bao gồm chất lượng nguồn nước, con giống và tác động của biến đổi khí hậu (hạn mặn).
“Canh tác tôm-lúa hữu cơ tuy không năng suất bằng các mô hình khác nhưng doanh thu và lợi ích vẫn ngang bằng hoặc cao hơn, đặc biệt người dân không lo về thị trường tiêu thụ. Người dân canh tác hữu cơ được đảm bảo an toàn về sức khỏe, hiện nay chúng tôi rất tự hào về sản phẩm của mình”.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Doanh nghiệp xã hội Minh Phú chia sẻ kế hoạch của Minh Phú, tính đến thời điểm hiện nay đã có 301 hộ dân (tổng diện tích khoảng 665 ha) tham gia đánh giá và đăng ký mô hình nuôi tôm sinh thái, dự kiến cuối năm 2020 sẽ có kết quả đánh giá. Nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ nâng giá thành sản phẩm lên 10-20%.
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn về chứng nhận tôm và liên kết theo tổ nhóm, đề xuất gắn liền chuỗi liên kết sản phẩm từ đầu vào đầu ra, tăng cường tính tuân thủ và quản lý các tổ nhóm đạt được mục tiêu chứng nhận. Vì vậy, trong thời gian tới kế hoạch của MCD sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương tiếp tục các hoạt động nâng cao năng lực kỹ thuật cho bà con, mở rộng các tổ nhóm và cải thiện liên kết (thông qua hình thức sinh hoạt cộng đồng như Hội quán, tăng cường các hạt nhân/nòng cốt tổ nhóm ….) và thúc đẩy việc mua bán sản phẩm theo tổ nhóm – HTX nhằm đảm bảo chất lượng con giống theo tiêu chuẩn.
————————