Góc báo chí
Hội thảo Quốc tế về Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm tại Việt Nam
Trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm, ba đơn vị là Tổ chức Phát triển Hà lan (SNV), Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) và IUCN tại Việt Nam đã đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế về Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 20-21/12/2012 tại Hà Nội với sự tham gia của ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, ông William Wallace Murray – Phụ trách Chương trình Nuôi trồng Thủy sản (SNV), các nhà quản lý, khoa học và các đại biểu đến từ Hà Lan, Inđônêxia…
Hội thảo tập trung đánh giá kết quả thực hiện chương trình tại các tỉnh Khánh Hòa, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau trong năm 2012; Chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước; Thảo luận cơ hội tăng cường hợp tác đầu tư phát triển cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm với môi trường và xã hội (đặc biệt là các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ của Việt Nam).
Chương trình Cải thiện nghề nuôi tôm có trách nhiệm tại Việt Nam được xây dựng và thực hiện dựa trên quan hệ hợp tác giữa các tổ chức phát triển: Oxfam Novib, IUCN Hà Lan, SNV, MCD và IUCN Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của chương trình là xác định, đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia và khả năng đáp ứng các yêu cầu của Chương trình từ các cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm. Từ đó, đưa ra một bản Kế hoạch kinh doanh cho cộng đồng nuôi tôm, trong đó xác định địa điểm hoạt động, mức hỗ trợ tài chính để được cấp chứng nhận Thực hành quản lý tốt nhất (BMP – Best Management Practices).
Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, tạo thu nhập và đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam. Năm 2011, khối lượng tôm xuất khẩu lên tới 220 nghìn tấn, tương đương 2,4 tỷ USD (chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam). Tuy nhiên, song song với sự gia tăng sản lượng là các thách thức: Lợi nhuận suy giảm, thiên tai, dịch bệnh, những tác động xấu tới môi trường và các vấn đề xã hội khác.
Để sự hợp tác, tài trợ của Chương trình Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm đạt được kết quả tốt và Kế hoạch kinh doanh của các hộ nuôi tôm tại Việt Nam giành được thắng lợi, góp phần phát triển bền vững ngành nuôi tôm trong cả nước, Hội thảo đã tập trung bàn bạc kỹ các vấn đề: Vai trò của ngành nuôi tôm tại Việt Nam; Phân tích chuỗi giá trị tôm tại Việt Nam từ góc độ kinh tế, xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu (bao gồm chứng nhận PES và tín chỉ các bon)… Đồng thời giới thiệu Chương trình Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm (RSCIP) ở các góc nhìn rộng lớn hơn.
Theo www.fistenet.gov.vn