Đối tác chiến lược

vinhomes mỹ đình

Đối tác chiến lược về nội thất

noi that 190

  • Trang tin tức - Slide 2

  • Trang tin tuc - Slide 1

Tin tức

Hội nghị đối thoại: Thực hiện chứng nhận và thúc đẩy các bên liên quan trong liên kết chuỗi tôm tại Cà Mau

28. 11. 2019 Tin tức

Tháng 11/2019 tại Cà Mau, các bên liên quan tham gia đối thoại, cùng tháo gỡ những khó khăn trong quá trình liên kết chuỗi tôm của các HTX và chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy và củng cố liên kết chuỗi bền vững và cải thiện thực hành chứng nhận.

Đối thoại do Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau phối hợp Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và WWF tại Việt Nam thu hút sự tham gia của 60 đại biểu đại diện các bên liên quan bao gồm các HTX nuôi tôm tại Cà Mau, các doanh nghiệp chế biến XKTS, các DN cung ứng đầu vào, các tổ chức chứng nhận, Đại diện ngân hàng và tổ chức tín dụng, Hội nông dân tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh và các đơn vị liên quan khác.

Đối thoại được khởi đầu bằng trình bày của bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc MCD, đưa ra góc nhìn của MCD về về bối cảnh ngành tôm, hiện trạng liên kết của các HTX nuôi tôm tại Cà Mau, những khoảng trống và đề xuất các giải pháp nhằm tạo ra mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT năm 2018, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau là 300.000 ha, trong đó: Diện tích nuôi tôm là 280.000 ha, chiếm 40% DT cả nước. Sản lượng tôm đạt 158.000 tấn, chiếm 20% Sản lượng tôm so với cả nước.

Diện tích nuôi tôm theo huyện /tp Cà Mau

Theo bà Hiền, liên kết sản xuất chuỗi trong ngành tôm còn nhiều bất cập, đặc biệt là có nhiều hộ quy mô nhỏ với kỹ thuật nuôi hạn chế dẫn đến khả năng cạnh tranh kém. Việc đẩy mạnh sự liên kết, phát huy tiềm năng của các nhân tố trong chuỗi là điều thiết yếu giúp giảm chi phí sản xuất góp phần lớn trong việc tăng lợi nhuận cho cả người nuôi và các doanh nghiệp. Cải thiện hệ thống truy xuất sẽ thúc đẩy việc mở rộng vùng nuôi, đồng thời chuỗi liên kết nên gắn liền với nhà nhập khẩu để có tính cam kết cao hơn.

Ảnh 1. Bà Thân Thị Hiền – Phó Giám đốc MCD trình bày thực trạng liên kết chuỗi tôm Cà Mau.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Minh Phú chia sẻ:  “Khó khăn nhất trong chuỗi tôm chứng nhận là vấn đề chứng nhận cho tôm giống vì vậy cần thực hiện tốt việc chứng nhận cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống nói chung không riêng gì Minh Phú”. Qua đó, ông Xuyên cũng đề xuất cần đưa chương trình đào tạo về tiêu chuẩn vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng thủy sản nhằm gia tăng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản làm chứng nhận cho tôm.

Ảnh 2. Ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc DNXH Minh Phú chia sẻ về xây dựng vùng nuôi tôm đạt chứng nhận tôm sinh thái

Thấu hiểu những thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải, Ông Nguyễn Phương Duy – Quản lý Dự án WWF Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm bao gồm cả chi phí trong thực hiện chứng nhận và liên kết chuỗi tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm chứng nhận đang ngày càng gia tăng, có nhiều nhà nhập khẩu đang quan tâm và tham gia vào chuỗi giá trị trong vùng Dự án như Nordic Seafood, Northcoast Seafoods, Fishtales, … Do đó, các nguồn đầu tư đang rộng mở với các chương trình liên kết cộng thêm sự hỗ trợ đắc lực từ các công cụ truyền thông, quảng bá sản phẩm.

Ảnh 3. Ông Nguyễn Phương Duy – Quản lý dự án WWF chia sẻ kinh nghiệm thực hiện liên kết chuỗi tôm theo tiêu chuẩn ASC

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức lớn từ phía trị trường, năng lực của các HTX/THT cũng như doanh nghiệp CBXK, ông Duy đề cập đến 4 ý chính sau: (1) Chi phí thực hiện chứng nhận quá cao đối với các hộ nuôi quy mô nhỏ; các sản phẩm tôm ASC nguồn gốc Việt Nam được phân phối rộng rãi nhưng cơ chế truy xuất nguồn gốc chưa chặt chẽ. (2) Biến động giá cả thị trường ảnh hưởng đến cam kết của các công ty chế biến thủy sản với HTX. (3) Năng lực về kỹ thuật, tài chính, quản lý của các THT/HTX chưa đủ để thực hiện chứng nhận độc lập. (4) Thiếu cam kết từ các nhà bán lẻ / người mua quốc tế để hỗ trợ các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ hướng tới sản xuất có trách nhiệm.

Tiếp tục phần thảo luận, đại diện đến từ các doanh nghiệp và HTX chia sẻ về những vướng mắc trong thực hiện liên kết chuỗi tôm đang gặp phải.

Ảnh 4. Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc HTX Cái Bát, Cái Nước, Cà Mau

Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc HTX Cái Bát  cho rằng: “Do tập quán canh tác từ lâu nên việc liên kết cùng mua, cùng bán của bà con khá khó khăn. Hơn nữa, thiếu vốn khiến các hộ dân chủ yếu mua nợ qua đại lý, vì vậy muốn cung cấp con giống cần đầu tư cả thức ăn. Tuy nhiên, nguồn tài chính của HTX chưa đủ mạnh để cung cấp thức ăn cho bà con”.

Giải đáp về vấn đề thức ăn trong nuôi tôm, đại diện doanh nghiệp CP thức ăn nuôi tôm chia sẻ: “Vừa qua, doanh nghiệp, sở NN&PTNT Cà Mau, ngân hàng OCB đã tổ chức hội nghị liên kết nhằm kết nối và hỗ trợ hộ nuôi tôm tiếp cận bền vững. CP sẵn sàng ký Hợp đồng trực tiếp với các HTX tại Cà Mau, tuy nhiên cần thẩm định, xem xét năng lực của các HTX và cơ chế bảo lãnh tài chính của ngân hàng để giúp bà con nhập con giống, thuốc, thức ăn theo thời gian quy định”. – Ông Nguyễn Quốc Việt – đại diện doanh nghiệp CP.

Ảnh 5. Ông Lâm Văn Khiếm – Chủ tịch HTX nuôi tôm Tân Long, Đầm Dơi, Cà Mau

Đại diện HTX Tân Long, ông Lâm Văn Khiếm cho rằng “Khó khăn của HTX là bà con chưa có thói quen ghi chép trong nuôi tôm chứng nhận, mặc dù đã tham gia đánh giá nhưng phần thu mua của doanh nghiệp chưa được hiệu quả. HTX Tân Long đề xuất cần đánh giá đủ 200 ha cho toàn HTX. HTX Tân Long có mong muốn được ký hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp thức ăn, tuy nhiên do thiếu nguồn vốn nên hiện nay vẫn chưa thực hiện được”.

Ảnh 6. Ông Nguyễn Thanh Bình – đại diện doanh nghiệp Cases

Giải pháp cho vấn đề gia tăng giá trị của sản phẩm tôm, đại diện doanh nghiệp Cases – ông Bình đề xuất: “ Các HTX cần lập kế hoạch thả giống, đăng ký diện tích, sản lượng dự kiến với doanh nghiệp, để doanh nghiệp có cơ sở ký những hợp đồng với các đơn vị nước ngoài. Đối với những thị trường lớn đạt chứng nhận đã khó, duy trì chứng nhận còn khó hơn vì vậy doanh nghiệp vẫn là đơn vị chủ lực thực hiện chứng nhận, nhưng bà con HTX là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công chứng nhận cho tôm. Tôm Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế”.

Ảnh 7. Ông Đoàn Thanh Hiền – Trưởng phòng Tài chính kế hoạch, Sở NN&PTNT Cà Mau

Kết thúc hội thảo ông Đoàn Thanh Hiền – trưởng phòng Kế hoạch Tài chính sở NN&PTNT Cà Mau tổng kết: Các HTX cần chủ động phương án sản xuất kinh doanh của địa phương để đàm phán số lượng nguyên liệu với các doanh nghiệp CBXK Thủy sản. Doanh nghiệp là đơn vị chủ chốt trong quá trình thực hiện chứng nhận và liên kết trong nuôi tôm. Sở NN&PTNT Cà Mau đang thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Cà Mau giai đoạn 2020 – 2025 căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội để thúc đẩy ngành hàng tôm, đặc biệt là tôm sú hữu cơ phát triển cần sự làm việc chặt chẽ giữa các bên: nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm tại Đông Nam Á”, pha 2 (GRAISEA 2) được tài trợ bởi Sứ quán Thụy Điển tại Bangkok thông qua tổ chức Oxfam International tại Việt Nam.

Trả lời

Your email address will not be published.

Xem thêm

Đối tác chiến lược

vinhomes 54a nguyễn chí thanh